Thứ 7, 20/04/2024 08:09:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:16, 04/07/2015 GMT+7

Tình trạng bán đất 134 ở Lộc Ninh

Thứ 7, 04/07/2015 | 14:16:00 615 lượt xem
BP - Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo. Từ năm 2007 đến nay, hàng trăm hộ DTTS nghèo trên địa bàn huyện Lộc Ninh được cấp đất từ Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo. Từ chương trình này đã có nhiều hộ đồng bào yên tâm định cư và tổ chức sản xuất hiệu quả trên diện tích đất được hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hộ đã bán đi phần đất được cấp.

Thoát nghèo nhờ được cấp đất 134

Hộ anh Kim Phong ở ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp là một trong những hộ đồng bào Khơme thoát nghèo nhờ được cấp đất theo Chương trình 134. Trước đây, gia đình anh Kim Phong là một trong những hộ nghèo của xã Lộc Hiệp. Vợ chồng anh phải làm đủ nghề để kiếm sống nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám. Từ khi được cấp 0,5 ha đất, gia đình anh đã đầu tư trồng 350 nọc tiêu. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, hàng năm, vợ chồng anh đã trồng thêm 3 vụ cây ngắn ngày như: dưa leo, bí đỏ, bí xanh, trừ chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Nhờ vậy kinh tế gia đình anh dần ổn định và đã thoát nghèo.

Anh Kim Phong chăm sóc vườn bí của gia đình

Anh Kim Phong phấn khởi: “Trước đây vợ chồng tôi nghèo khổ lắm, không có đất sản xuất. Nhờ Nhà nước cấp đất nên gia đình tôi cố gắng làm để sinh sống và kiếm tiền nuôi con ăn học. Nói chung giờ kinh tế gia đình tôi cũng ổn rồi, không phải đi làm thuê nữa”.

Tuy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt việc canh tác, phát triển kinh tế trên diện tích đất được cấp, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS nhưng tình trạng đồng bào cầm cố, sang nhượng trái phép diện tích được cấp từ Chương trình 134 vẫn diễn ra. Đặc biệt tình trạng này khá phổ biến tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh.

Tình trạng bán đất diễn ra ngấm ngầm

Gia đình anh Điểu Nguyên, ở ấp 54, xã Lộc An được cấp 0,5 ha đất từ Chương trình 134 vào năm 2007. Ban đầu anh cũng đầu tư trồng bắp nhưng lợi nhuận không cao nên 2 năm sau, anh đã sang nhượng mảnh đất này để lấy tiền tiêu xài. Khi được chúng tôi hỏi tại sao lại bán đất được Nhà nước cấp, anh Nguyên biện minh: “Đất được cấp ở quá xa, đường sá đi lại khó khăn, không đủ chi phí cho mỗi vụ thu hoạch. Gia đình cho thuê có thời hạn và hợp đồng đàng hoàng chứ không bán”. Thế nhưng khi chúng tôi muốn được xem bản hợp đồng cho thuê thì anh lại không cung cấp được. Hỏi anh có muốn lấy lại đất sản xuất không, anh nói: “Người ta đã trả tiền cho mình và trồng tiêu rồi, sao mà lấy lại được. Tôi không có tiền để đền bù cho người ta”!

Cũng giống như gia đình anh Điểu Nguyên, gia đình bà Thị Brươn ở ấp 3, xã Lộc An có 6 người con, hầu hết đều không có việc làm ổn định, thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất. Năm 2007, gia đình bà được xét cấp 0,5 ha đất tại Tiểu khu 87, xã Lộc An. Thay vì làm ăn, phát triển kinh tế trên diện tích đất được cấp như các hộ khác, gia đình bà lại bán đi phần đất này. Khi được hỏi về nguyên nhân bán đất được cấp, bà lý giải: “Đất bán hồi nào tôi không biết. Con tôi bán chứ tôi không muốn bán”.

Ông Phạm Hồng Đăng, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết: “Sau khi nhận đất từ Chương trình 134, các hộ dân đều thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất, một số hộ nhận thức còn hạn chế nên đã ngấm ngầm bán đất. Chỉ là giấy viết tay thỏa thuận giữa người bán và người mua, cho thuê, nhưng thực chất bên trong đó là bán”. Qua kiểm tra sơ bộ, UBND xã Lộc An đã phát hiện 6 hộ nhận mua bán đất Chương trình 134, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Trước tình trạng đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND xã Lộc An cũng đã phối hợp với các ngành chức năng, Binh đoàn 16 tổ chức hướng dẫn bà con về khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, cao su, hỗ trợ người dân vốn phát triển sản xuất... Đồng thời, UBND xã cũng báo cáo UBND huyện Lộc Ninh xin ý kiến chỉ đạo xử lý.

Để chính sách hỗ trợ đất sản xuất của Nhà nước cho những hộ đồng bào DTTS thật sự mang lại hiệu quả cho những người được thụ hưởng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xử lý nghiêm những trường hợp mua bán, sang nhượng trái phép. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ thông qua việc lồng ghép đầu tư cơ sở vật chất như làm đường, khuyến nông, hỗ trợ cây giống, phân bón đảm bảo các hộ được nhận đất có đủ điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Văn Hùng - Thảo Hương

  • Từ khóa
92637

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu