Thứ 7, 20/04/2024 04:25:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:22, 24/04/2016 GMT+7

Tình người trong cơn khát

Chủ nhật, 24/04/2016 | 13:22:00 206 lượt xem
BP - Trong cơn hạn hán kéo dài, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể để có nước cho nhân dân dùng thì tình làng nghĩa xóm càng sâu đậm thêm trong khó khăn. Đó thực sự là “dòng nước mát” làm dịu cơn khát trong những ngày hè nắng hạn.

NGHĨA CỬ ĐẸP VÙNG HẠN

Nhiều tháng nay, người dân trong tỉnh quay quắt trong cơn đại hạn. Chưa bao giờ nước lại khan hiếm như lúc này. Từng giọt nước được người dân sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nhất. Không chỉ các vùng hạn ở huyện Bù Đốp, Lộc Ninh chịu hậu quả nặng nề mà các vùng lân cận như Thanh Lương (Bình Long), Hớn Quản cũng ngoi ngóp trong cơn khát. Các công ty thủy điện đã xả nước; các tổ chức đoàn thể, đoàn thanh niên ra quân chở nước sinh hoạt liên tục đến giúp các hộ dân; những người làm nghề đào, khoan giếng hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng nhu cầu của người dân. Những lúc như vậy, tình làng nghĩa xóm thật đáng trân trọng, họ san sẻ cho nhau từng xô nước quý với những cách làm thực tế hơn cả.

Điểm cấp nước tập trung do Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) tổ chức đem nước cho nhân dân ở ấp Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp - Ảnh: Quốc Phong

Dự đoán được tình hình hạn hán năm nay, từ mùa mưa năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Chuyên ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) đã khoan thêm một giếng dự phòng để đáp ứng tưới 2 ha điều, tiêu. Còn lại giếng đào sâu 14m, ông để sinh hoạt trong gia đình. Khi ấy, nhiều người xung quanh cho rằng ông “có vấn đề”, ai lại đi khoan giếng vào mùa mưa. Cách đây 1 năm, chẳng ai nghĩ cái giếng này lại là cứu tinh của mình trong mùa hạn 2016. Từ đầu mùa khô đến nay, giếng đào của gia đình ông Chuyên đã trở thành điểm cấp nước sạch công cộng, giúp nhiều hộ dân có nước sinh hoạt. Đặc biệt, Đoàn thanh niên huyện Bù Đốp thường xuyên đến nhà ông lấy nước để chở đến các hộ nghèo, neo đơn. Buổi sáng ông bơm khoảng 1.500 lít nước lên bồn đủ cho gia đình. Còn lại để cho người dân sử dụng, ai có nhu cầu cứ đến bơm thoải mái. Ông Chuyên cho biết: “Nhiều người tranh thủ dịp này để kinh doanh nhưng tôi không làm vậy. Bà con đã khó khăn mà mình còn chắt bóp thì còn gì tình làng nghĩa xóm. Gia đình mình còn nước đã là hạnh phúc rồi, cũng nên chia sẻ để mọi người cùng hưởng”.

Đoàn viên thanh niên huyện Bù Đốp đến lấy nước từ gia đình ông chuyên chở đi hỗ trợ người dân

Cũng như hộ ông Chuyên qua những chuyến đi thực tế, phóng viên đã ghi nhận nhiều tấm gương vì tập thể, vì cộng đồng. Từ trước tết Nguyên đán đến nay, cứ khoảng 5 giờ chiều là nhà ông Lê Phước Thành ở xã Thanh An (Hớn Quản) lại kéo dây bơm nước cho một số hộ xung quanh dùng. Dù sâu 16m nhưng mùa khô năm nay, nước giếng của gia đình ông cũng không còn nhiều. Ông Thành cho biết: “Giếng nhà tôi bây giờ chỉ cấp đủ cho 5-6 hộ gần nhà. Khoảng 4-5 giờ chiều, người đi xe lôi, máy cày đến chở nước về dùng. Hôm sau, mạch nước chảy ra, mọi người lại đến lấy tiếp”.

KHÔNG CÓ SUỐI NƯỚC NÀO NGỌT HƠN

Mặc dù có 2 giếng đào nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Cửu ở tổ 8, ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình vẫn không có nước dùng. Để chủ động nước tưới cho cây trồng, gia đình ông đào 2 giếng và chắc nịch rằng sẽ không bao giờ bị thiếu nước. Thực tế 10 năm qua, chưa bao giờ gia đình ông lại rơi vào hoàn cảnh như hiện nay. Năm nay, dù được nạo vét hai, ba lần nhưng lượng nước từ hai giếng vẫn không đủ dùng. Trước tình cảnh này, ông đành phó mặc vườn tiêu, hằng ngày chạy đi chở nước sạch từ gia đình ông Chuyên về để sinh hoạt, ăn uống.

Trong lúc này mới thấy trân trọng từng giọt nước. Nước ngọt quý là vậy nhưng dòng nước được chia sẻ giữa những người hàng xóm vào lúc này mới ngọt và đáng quý hơn cả.

Ông Nguyễn Văn Cửu ở tổ 8, ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình

Không chỉ các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp hạn, mà người dân các vùng thị xã như Bình Long, Đồng Xoài đều “khát”. Đặt lịch, mua nước từ các xe bồn cũng không dễ dàng như trước, từ khi gọi đến lúc chở phải mất 2 ngày. Một xe bồn loại 2 hay 4m3 nước, thay vì trút hết vào bồn nhà mình thì họ sẵn sàng chia mỗi nhà một ít, cũng là cách giúp nhau trong cơn khát. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhà ở phường Tân Đồng (Đồng Xoài) cho biết: “Mỗi xe 2m3 mua với giá 180 ngàn đồng nhưng lúc có lúc không. Tôi và hộ cạnh nhà chia nhau, chỉ dùng tắm rửa, nấu ăn cũng được 3 ngày. Thiếu cái gì còn xoay xở được, chứ thiếu nước thì sao mà sống được. Chia nhau giọt nước như vậy, mới thấy tình làng nghĩa xóm gắn kết hơn bao giờ hết”.

Thanh Nga

  • Từ khóa
92915

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu