Thứ 3, 16/04/2024 23:56:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:52, 21/05/2015 GMT+7

Câu chuyện văn hóa

Đừng làm xấu hình ảnh tình mẫu tử

Thứ 5, 21/05/2015 | 08:52:00 664 lượt xem

BP - Mấy ngày qua, ai đi qua đường Phú Riềng Đỏ (thị xã Đồng Xoài) đều nhìn thấy hình ảnh người mẹ ôm đứa trẻ chừng hơn 1 tuổi ngồi co ro bên lề đường ngửa nón xin tiền kẻ qua người lại. Người mẹ trông nhem nhuốc nhưng còn khá trẻ, chỉ chừng ngoài 20 tuổi. Hình ảnh đó chẳng thể làm nhiều người thương cảm cho người mẹ, nếu không muốn nói là rất giận mà chỉ thấy xót xa cho đứa trẻ. Nếu đứa trẻ không phải là con mà vì dã tâm dùng trẻ con để cầu xin lòng thương hại thì rất đáng lên án, thậm chí phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Nhưng nếu đứa trẻ là con đẻ của cô ta cũng thật khó chấp nhận một người mẹ như thế! Nếu là con, đứa trẻ vô tội không biết mình đang bị đày ải, lợi dụng, bị mẹ ruột phơi nắng làm cần câu để cô ta kiếm cơm (!?). Giá như tình mẫu tử thiêng liêng được đánh thức trong lòng cô ta để biết yêu thương, chăm lo cho con thì đã khác. Với sức trẻ đó, cô ta có thể làm được rất nhiều việc một cách đàng hoàng để kiếm tiền một cách đầy tự trọng như: công nhân, dọn bàn, giúp việc...

Người ăn xin lê lết trên đường ở khu vực  nhà thờ Đồng Xoài - Ảnh: K.B

 Còn chuyện đóng kịch để lừa đảo, lợi dụng những tấm lòng nhân hậu để sinh sống thì đương nhiên là quá quắt, đáng lên án. Những kẻ đó cho rằng, kiếm tiền từ việc nhắm vào lòng tốt của người khác quá dễ nên đã sẵn sàng bán rẻ lòng tự trọng, lương tâm để lấy tiền. Đáng phê phán hơn là kẻ chăn dắt dùng trẻ em, người già, người khuyết tật... kêu gọi sự thương hại rồi cống nộp cho chúng. Để phanh phui những kẻ vô lương tâm rất cần sự vào cuộc của chính quyền, công an khu vực và các đoàn thể. Nếu không, nạn ăn xin trực tiếp sẽ biến tướng thành lừa đảo, gây nguy hiểm cho xã hội.

Hành động của những người đi qua đường Phú Riềng Đỏ dừng chân cho tiền bố thí không phải ai cũng đang “mắc bẫy” mà chỉ vì động lòng trắc ẩn. Việc chia sẻ đó có thể diễn giải rằng, người đi đường biết mình có thể bị lừa nhưng xúc động quá đỗi trước nghịch cảnh trái ngang mà đứa bé đang phải gánh chịu nên đành cho đứa bé để không thấy áy náy trong lòng. Dù thế nào, đó vẫn là bản tính, là sự lên ngôi của lòng nhân hậu, sự tương thân tương ái. Đó là điều xã hội lúc nào cũng cần, để mỗi người thấy thực sự ấm lòng khi nghĩ lòng tốt vẫn ở quanh ta, có mặt khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, nếu xã hội vẫn còn những kẻ trục lợi theo kiểu như thế thì lòng tốt vẫn chưa được đặt đúng chỗ, đúng nơi, giúp đúng người. Vì thế, không chỉ uổng công người tốt mà đôi khi còn tác hại, làm xuất hiện những kẻ chăn dắt hoặc ngay cả người được giúp ỷ lại, chây lười. Đặc biệt, tình mẫu tử là thiêng liêng, cao cả  ngàn đời vẫn được ca tụng, đừng như bà mẹ kia khiến nhiều người nhìn thấy không khỏi phẫn nộ.  “Ở cho có đức, có nhân. Mới mong đời trị, được ăn lộc trời” (Gia huấn ca, Nguyễn Trãi) cần được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Phẩm chất này được thể hiện xuyên suốt cuộc sống chứ không chỉ khi đi đường hay đi chùa gặp mấy cảnh thương tâm giả tạo.  

“Cá chuối đắm đuối vì con”

Điển tích về thành ngữ “cá chuối đắm đuối vì con” kể rằng:

Cá chuối mẹ bất chấp mạng sống, ngày ngày quăng mình lên bờ, nằm chờ đàn kiến bâu vào, rồi quẫy mình xuống nước để đàn con có cái ăn. Khi nằm trên cạn, số phận con cá chuối vô cùng mong manh.

Rồi một hôm, cá chuối mẹ nhảy lên quá xa bờ, nó lại chờ cho đàn kiến bu đến đông, da khô rộp cả, nó bèn vội vàng nhảy xuống. Nhưng lúc ấy, kiệt sức, nó giãy lung tung. Đến khi tìm được ao thì cá chuối đã chết, nó chìm xuống tận đáy, đến chiều thì nổi lên. Biết chuyện cá chuối mẹ chết, con cóc thương xót mới nói rằng: Chị cá chuối này mới đáng thương làm sao, tận tình với con, đắm đuối vì con mà chết.

Đàn cá con không thấy mẹ về, chúng bèn chia nhau đi kiếm mồi. Rồi chúng lớn lên, đến kỳ trưởng thành, nở trứng sinh con. Theo kế kiếm ăn của mẹ trước đây, chúng cũng nhảy lên bờ cho kiến bu, rồi cũng có con lại đắm đuối vì con như mẹ chúng, nên chịu chung số phận như mẹ.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
91188

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu