Thứ 7, 20/04/2024 13:06:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:33, 08/11/2019 GMT+7

Tinh giản biên chế tránh cào bằng

Thứ 6, 08/11/2019 | 09:33:00 255 lượt xem

BP - Ngày 6-11, rất nhiều tờ báo thông tin về sự kỳ vọng của đại biểu Quốc hội vào các phiên chất vấn 4 “tư lệnh ngành” từ ngày 6 đến ngày 8-11, trong đó có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề tìm giải pháp tinh giản biên chế sao cho hiệu quả? Làm gì để giảm đúng người cần giảm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, chứ không phải “giảm đều” để đạt mục tiêu giảm 10% biên chế vào năm 2021?

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thể hiện quan điểm của Đảng ta về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhưng sau 2 năm triển khai, mối lo lắng hàng đầu hiện nay ở các địa phương, ban, ngành không phải là giảm bao nhiêu người mà là việc tinh giản biên chế có được thực thi nghiêm túc, minh bạch, có giữ được người tài hay lại vẫn tồn tại những kẻ năng lực yếu, kém nhưng giỏi nịnh bợ, lấy lòng cấp trên hoặc “sống lâu lên lão làng”.

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo cả nước thừa 57.175 nhân viên, công chức. Từ con số báo động đó cùng với Nghị quyết số 18-NQ/TW, đến nay việc tinh giản, sáp nhập cơ quan, đơn vị diễn ra càng quyết liệt hơn. Nhưng nếu chúng ta không thay đổi cách sử dụng, chế độ với người có tài năng thực sự thì chắc chắn số người bất đắc chí, không chịu nổi môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước sẽ bỏ ra ngoài làm riêng hoặc làm cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... sẽ tăng lên.

Tinh giản biên chế theo kiểu cơ học, máy móc còn để lại nhiều hệ lụy đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Đơn cử như việc tinh giản biên chế giáo viên vào cuối năm trước, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 22-10-2018, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu với tâm trạng đầy lo lắng rằng: “Chúng ta không nên giảm một cách cơ học. Cứ sáp nhập lại hoặc giảm số lượng. Trong khi đó, thực chất nhu cầu, nội dung giảng dạy vẫn yêu cầu cần phải có giáo viên. Tôi mong muốn trong quá trình tinh giản biên chế cần phải có lộ trình, quá trình thực hiện cũng cần phải phù hợp, hợp lý”.

Việc các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp lần này vẫn còn nặng lòng về tinh giản biên chế cũng một phần nguyên nhân do nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang thực hiện theo kiểu nể nang, cào bằng. Trong khi đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ, công chức. Vì vậy, rất cần thực hiện công tâm, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương “cầm cân nảy mực” cần phải biết “nhìn người”, “dùng người”. Bên cạnh đó, quyết liệt rà soát, loại bỏ những cán bộ, công chức chỉ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Từ nghị quyết đến cuộc sống là một chặng đường dài đầy khó khăn. Nhưng nếu không vượt qua được những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, sự ích kỷ của bản thân... thì những kẻ yếu kém, trì trệ sẽ không thể giải quyết dứt điểm, đồng nghĩa kéo lùi sự tăng trưởng và phát triển đất nước. Mong rằng, kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ có những giải pháp phù hợp để trám lại những lỗ hổng tồn tại, hạn chế, bất cập trong tinh giản biên chế, có cơ chế kiểm soát quyền lực để sau tinh giản, bộ máy thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả như Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra và niềm tin của cử tri đang dõi theo, kỳ vọng.

An Nhiên

  • Từ khóa
109226

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu