Thứ 7, 20/04/2024 21:18:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 00:00, 16/12/2011 GMT+7

Lo ngại về tội phạm vị thành niên

Thứ 6, 16/12/2011 | 00:00:00 2,226 lượt xem

Tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn tỉnh hiện khá phức tạp. Số vụ phạm tội của lứa tuổi này thực hiện chiếm tỷ lệ cao trong tổng số những vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong thời gian qua. Sự “trẻ hóa” đối tượng phạm pháp là vấn đề báo động.

NHỮNG CON SỐ GIẬT MÌNH

Theo thống kê của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, từ năm 2010 đến tháng 10-2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra 180 vụ trẻ vị thành niên phạm pháp với 288 đối tượng. Hành vi phạm pháp hình sự trong lứa tuổi vị thành niên diễn ra ngày càng phức tạp. Đó là tội giết người, trộm cắp tài sản, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Lứa tuổi phạm tội dưới 14 tuổi chiếm 4,86%, từ 14-16 tuổi chiếm 24,31%, từ 16-18 tuổi chiếm 70,83%, đối tượng phạm tội đa số trẻ vị thành niên nam. Các em có trình độ học vấn thấp, không biết chữ chiếm 4,17%, chỉ học đến bậc tiểu học chiếm 44,79%, trung học cơ sở chiếm 39,24%, trung học phổ thông chiếm 10,07% và bỏ học chiếm 1,73%. Từ thực tế cho thấy trẻ vị thành niên sa vào con đường phạm pháp vì thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục từ phía gia đình và nhà trường.

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Nhất Long ngày 9-11-2011

Các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do trẻ vị thành niên gây ra là do bột phát nhất thời, hiếu thắng, thiếu hiểu biết về pháp luật. Hành vi thực hiện rất táo bạo và hậu quả để lại nghiêm trọng. Trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hình sự đều có nguyên nhân sâu xa. Khoảng 80% là trẻ em hư, không vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn xung quanh. Một số thiếu niên chưa được trang bị kiến thức văn hóa, pháp luật, cha mẹ nuông chiều, có lối sống thực dụng đua đòi vật chất. Một số ít đối tượng thiếu niên vi phạm pháp luật là do vô ý, bị rủ rê bởi những đối tượng xấu, do bốc đồng...

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 180 vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật với 288 đối tượng. Trong đó có 4 vụ giết người, cưỡng đoạt tài sản 3 vụ, trộm cắp tài sản 46 vụ, cố ý gây thương tích 46 vụ, tổ chức sử dụng chất ma túy 10 vụ... Kết quả xử lý hình sự được 150 vụ, xử phạt hành chính 30 vụ, đưa đi giáo dưỡng 8 đối tượng.

Vụ án Phạm Hoàng Phong (1998), trú tại ấp 8, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) vì mâu thuẫn cá nhân đã dùng dao đâm Đặng Xuân Thường dẫn đến tử vong là một vụ án nghiêm trọng xảy ra ngày 24-5-2011. Do Phong chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên bị xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử vụ án Nguyễn Nhất Long phạm tội giết người. Trong cuộc nhậu, do có mâu thuẫn với bạn, Nguyễn Nhất Long đã dùng dao Thái Lan đâm Nguyễn Văn Hiền tại quán karaoke dẫn đến tử vong. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Long chưa đủ 18 tuổi, bản thân nghỉ học sớm, không có việc làm ổn định. Căn cứ Điều 46, 48, 93 của Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên xử bị cáo Nguyễn Nhất Long 14 năm tù giam. Mức án này không chỉ dành riêng cho bị cáo Long mà còn để răn đe giáo dục các em lứa tuổi vị thành niên phạm tội cần suy nghĩ trong cư xử của mình.

Theo thống kê, từ đầu năm 2011 đến nay, ngành tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử 1.600 vụ án hình sự, trong đó có khoảng 250 vụ án do lứa tuổi vị thành niên thực hiện.

MẶT TRÁI CỦA CUỘC SỐNG

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân khác dẫn đến phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên rất nhiều. Việc không có tiền để thỏa mãn tiêu xài, bản thân không làm ra tiền nên nảy sinh trộm cắp, cướp giật là một trong nhiều nguyên nhân phạm tội. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía gia đình. Bởi gia đình không hạnh phúc thì trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thống kê tình hình tội phạm từ các cơ quan chức năng cho thấy, trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm hơn 51%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%, 30% trẻ em phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Một nguyên nhân nữa khiến trẻ em phạm tội là do bị ảnh hưởng từ nạn bạo hành gia đình, những trò chơi điện tử mang tính bạo lực trên Internet, các trang web đen. Trẻ em trong gia đình có cha mẹ ly dị hay cha mẹ thờ ơ thiếu sự quan tâm con cái, phó mặc việc giáo dục cho nhà trường. Giữa gia đình và nhà trường thiếu sự phối hợp, quản lý, giáo dục dẫn đến các em bị dụ dỗ, lôi kéo rồi sa vào con đường phạm pháp.

Trẻ vị thành niên đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chứa tới”, rất cần sự đùm bọc, che chở, dạy dỗ của người lớn để hình thành nên những nhân cách tốt đẹp, có ích cho xã hội. Bởi, không có mái ấm gia đình, không có tình thương, sự quan tâm giáo dục của cha mẹ và người thân, hàng ngày phải tiếp xúc với các tệ nạn xã hội, trẻ em rất dễ bị lôi kéo vào con đường xấu và dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

T.Phong - T.My

  • Từ khóa
22286

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu