Thứ 7, 20/04/2024 04:09:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:27, 27/06/2013 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới: Đích đến môi trường sạch còn lắm gian nan

Thứ 5, 27/06/2013 | 15:27:00 257 lượt xem

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Bình Phước sẽ có 20 xã nông thôn mới (NTM). Để đạt được như thời gian dự kiến, các địa phương sẽ phải nỗ lực rất lớn trong việc hoàn thành 19 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí 17 đóng vai trò quan trọng, vì môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự phát triển văn hóa, xã hội. Và trên thực tế, việc thực hiện tiêu chí này đang gặp nhiều khó khăn.

RÁC THẢI Ở MỌI NƠI

Thời điểm này, 20 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 đều đã quy hoạch nơi tập kết rác thải. Nhưng hầu hết chỉ tập kết chứ chưa có phương án xử lý. Các xã có nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường. Hiện tại chưa có xã nào hoàn thành xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch NTM. Tất cả chỉ dừng ở quy hoạch quỹ đất hoặc giữ nguyên hiện trạng nghĩa trang cũ. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn chủ yếu để có nơi chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, các công trình phụ trợ.


Thói quen chăn nuôi gia cầm ngay cạnh nhà đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề

Ở nhiều nơi người dân vứt rác bừa bãi, tùy tiện đốt rác gây ô nhiễm môi trường. Những chai thuốc bảo vệ thực vật, túi ni-lon sau sử dụng mang đốt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Dọc tuyến ĐT741, mọi người dễ dàng nhìn thấy các bãi rác tự phát nằm ngay bên đường và nhiều điểm tập kết rác tự phát được đốt nham nhở. Tập trung nhiều nhất là các xã Tân Tiến (Đồng Phú), Phú Riềng (Bù Gia Mập), phường Phước Bình (TX. Phước Long)... Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tình hình càng đáng lo ngại...

 Ông Lưu Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Khương (Hớn Quản) cho biết: “Xã đã quy hoạch được 2 ha đất làm khu tập trung xử lý rác thải. Nhưng để thực hiện được chỉ tiêu này phải chờ nguồn vốn từ trung ương. Địa bàn rộng, cán bộ dân vận mỏng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, gắn với thói quen sinh hoạt và chăn nuôi vốn đã gây tác hại xấu cho môi trường từ rất lâu, nay đang là mối lo của xã. Chính vì thế, công tác vận động thực hiện tiêu chí 17 trong nhân dân càng gặp nhiều khó khăn”.

TỰ XỬ LÝ

 Ngoài một số khu vực đô thị, rác thải được thu gom tập trung, hiện hầu hết các hộ trong tỉnh vẫn tự xử lý rác. Phổ biến nhất là gom rác đốt hoặc chôn. Thậm chí, nhiều hộ còn đổ rác dọc các sông, suối. Thiếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng làm cho lượng rác thải dồn ứ ở nhiều nơi, dọc tuyến đường liên thôn, liên ấp, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa mất mỹ quan.

Trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng xấu tới môi trường nông thôn phải kể đến hệ thống thoát nước thải. Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đều được đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm xuống đất hoặc chảy tràn vào ao, hồ, sông, suối... gây ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, việc quy hoạch và xây dựng chợ nhiều nơi không gắn với xử lý rác thải. Sau mỗi phiên chợ, rác vứt bừa bãi ven đường. Ông Ywang, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau (Bù Đăng) cho biết: “Dù đã quy hoạch được 0,5 ha đất ở thôn Thống Nhất để làm bãi rác, nhưng vì không có xe chuyên dụng, không có người gom thường xuyên nên rác vẫn ứ đọng ở chợ và quanh vùng. Còn nhà dân đa số đất rộng, họ thường chôn hoặc đốt rác chứ không muốn đóng tiền gom rác”.

Theo một số lãnh đạo xã đang thực hiện chương trình xây dựng NTM, nguồn ngân sách hỗ trợ địa phương còn thấp, chưa tương xứng với nội dung tiêu chí. Mặt khác, ngân sách cấp chậm cũng khiến việc thực hiện các tiêu chí chưa thể chuyển biến như mong muốn. “Đảng ủy, UBND xã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM vào các cuộc họp nhưng kết quả không cao. Muốn làm gì cũng phải có tiền mà ngân sách trung ương “rót” xuống rất chậm. Trong khi ở đây, đồng bào dân tộc thiểu số đông, rất khó vận động họ đóng góp. Đến nay, xã An Khương mới hoàn thành 2 tiêu chí là 1 (quy hoạch và thực hiện quy hoạch) và 19 (an ninh, trật tự xã hội)”, ông Lưu Văn Thanh chia sẻ.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Thay đổi ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, cụ thể là trong việc xả rác, xử lý rác thải không đơn giản. Nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tiêu chí về môi trường có 5 nội dung nhỏ, không dễ thực hiện mà cần một quá trình lâu dài và là công việc thường xuyên. Với những khó khăn hiện tại, ngành chức năng nên nhanh chóng đưa ra những biện pháp thiết thực để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các tiêu chí về môi trường của xã NTM. Ông Bùi Tấn Chắc, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) cho biết: “Môi trường của xã đang bị ảnh hưởng từ rác thải, chăn nuôi và các nhà máy chế biến nhỏ. Nhưng đến thời điểm này, Phú Nghĩa vẫn rất khó thực hiện tiêu chí 17, vì phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân. Bãi rác và nghĩa trang đã được quy hoạch với tổng diện tích 7 ha nhưng đang nằm trên giấy. Vì thế, môi trường ở Phú Nghĩa chưa thể tốt lên, để trở thành xã NTM vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Mỗi xã có những đặc thù riêng gắn với những giải pháp phù hợp. Nhưng mấu chốt chung đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền. Dân vận khéo thì việc gì cũng xong, vận động tốt sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Vấn đề là phải tôn trọng ý kiến nhân dân, phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin để người dân chủ động và tích cực cải thiện chất lượng môi trường sống. Khi người dân ý thức cao trong kết hợp giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường thì sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong thời gian tới.                                            

   Ngọc Tú

  • Từ khóa
45712

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu