Thứ 6, 19/04/2024 04:17:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:52, 03/10/2018 GMT+7

Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII: Kinh tế-xã hội có nhiều tín hiệu đáng mừng

Nguồn QĐND
Thứ 4, 03/10/2018 | 15:52:00 680 lượt xem
BPO - Sáng 3-10, tại Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tiếp tục tiến hành Hội nghị lần thứ tám với việc thảo luận tại hội trường về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, điều hành phiên thảo luận.

>> Khai mạc Hội nghị Trung ương thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng

Nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực

Cho ý kiến về nội dung này, các đại biểu đều đánh giá cao về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và tỏ ra rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Theo Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, năm 2018, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn; vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra ở cả ba miền. Tất cả những đặc điểm ấy tác động, chi phối sâu sắc đến phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh-đối ngoại của đất nước.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan, đoàn thể xã hội, kết thúc 9 tháng đầu năm cũng như dự kiến năm 2018 có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, các mục tiêu an sinh xã hội đã được thực hiện tốt. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, củng cố; giữ vững được chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng tăng lên.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình) đánh giá, độ mở của nền kinh tế nước ta khá lớn, thể hiện qua các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, thị trường xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã được mở rộng ra 200 nước và vùng lãnh thổ. Thu ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nội địa tăng khá; bội chi ước tính năm 2018 đạt khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu 3,7% đặt ra theo kế hoạch và giảm dần qua từng năm. Cùng với đó, tỷ lệ nợ công của nước ta ngày càng giảm. Môi trường đầu tư của từng địa phương và cả nước có sự cải thiện ngày càng tốt hơn. Nhiều tỉnh làm tốt việc xúc tiến đầu tư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2018 ước đạt 34% GDP… Đó là những tín hiệu rất đáng mừng.

Thượng tướng Phan Văn Giang-Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-cho rằng, những kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 rất đáng trân trọng, là cơ sở thực hiện nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo. Dự trữ ngoại hối đạt được mức cao kỷ lục; đồng tiền Việt Nam giữ được sự ổn định, tạo điều kiện cho các mặt của đời sống kinh tế-xã hội phát triển. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu được sang 15/20 nước trong khối G20 là những nước có tiêu chí hàng hóa nhập khẩu rất cao và khó. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa. Quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại được tăng cường. Đời sống của nhân dân được nâng lên. Nông nghiệp giữ được ổn định, tăng trưởng tốt. Du lịch phát triển với lượng khách du lịch tới Việt Nam rất lớn. Thể chế đã được củng cố, hoàn thiện bằng các văn bản luật, văn bản dưới luật, nghị định, thông tư để thực hiện, tạo cơ sở pháp lý giúp các doanh nghiệp phát triển.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Quân đội tham gia phát triển kinh tế-xã hội

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, lực lượng quân đội đã tham gia rất nhiều vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đây là những khu vực mà rất ít doanh nghiệp đặt chân đến do lợi nhuận gần như bằng không, thậm chí bị lỗ vốn. Tuy nhiên, các đoàn kinh tế quốc phòng đã tham gia rất tích cực, tạo điều kiện cho nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế.

Cùng với đó, lực lượng Quân đội cũng vừa chủ trì, vừa tổ chức thực hiện xây dựng đường sá để củng cố cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Ví dụ, đường tuần tra biên giới mang tính lưỡng dụng. Đường Trường Sơn Đông được xây dựng tạo ra hiệu quả rất tốt cho phát triển kinh tế-xã hội. Gần đây, đoàn công tác của Quốc hội đi kiểm tra thực tế đã có đánh giá rất tốt về hiệu quả của những con đường này; lãnh đạo các bộ, ngành tham gia đoàn công tác cũng có nhận xét rất tốt.

Cùng với đó, cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cũng tham gia rất tích cực vào tổ chức chính quyền địa phương trên địa bàn đơn vị đóng quân, với hơn 300 cán bộ, sĩ quan bộ đội biên phòng tham gia vào tổ chức chính quyền cấp xã rất hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh biên giới cả trên đất liền và trên biển.

Toàn cảnh hội nghị.

Tìm giải pháp đột phá phát triển kinh tế-xã hội

Tuy rất lạc quan với triển vọng phát triển kinh tế-xã hội nước nhà trong giai đoạn tới trên cơ sở những kết quả đã đạt được và kết quả dự báo tình hình, nhưng các đại biểu cũng nhất trí với dự thảo báo cáo do Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình hội nghị về những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ trong phát triển kinh tế-xã hội. Đó là những tác động tiêu cực từ sự bất ổn của tình hình khu vực và thế giới, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm; những vấn đề nổi lên trong nước như đất đai, môi trường và sự lôi kéo, kích động, chống phá của các thế lực thù địch… Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy kinh tế-xã hội đất nước phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thượng tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh tới “vấn đề cốt tử là tập trung ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao”, bởi chỉ có công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao mới tạo ra năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Quan trọng nhất là phải nghiên cứu để làm chủ được công nghệ lõi, làm chủ được kỹ thuật, dù rằng công nghệ có thể phải đi mua.

Trong 3 khâu đột phá, gồm thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, Thượng tướng Bế Xuân Trường phân tích, quan trọng nhất là đột phá về thể chế. Đột phá về thể chế sẽ huy động được nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; thu hút và phát huy được người tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu. Ảnh: TTXVN.

Xoáy sâu vào vấn đề giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang nêu quan điểm cần thực hiện tốt khâu đột phá này, bởi thời gian qua, giáo dục vẫn còn một số vấn đề lớn như sự đổi mới kỳ thi THPT quốc gia chưa phù hợp, thiếu chặt chẽ dẫn tới để xảy ra vi phạm tại một số địa phương; sách giáo khoa phổ thông cũng đang gây xôn xao dư luận.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang cũng đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cần có đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó tập trung vào một số chủ trương lớn như đánh giá về ba đột phá chiến lược hoặc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với bổi mới mô hình tăng trưởng; đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai (sửa đổi)…; đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc xử lý các loại tài sản công để khơi thông cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; đề nghị tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường.

Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nêu ý kiến, cần dồn sức xây dựng 15.000 hợp tác xã và nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn, vì đây là khâu quan trọng nhất để đưa sản xuất nông nghiệp đạt mục tiêu, yêu cầu như Chính phủ đề xuất; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để liên kết 6 nhà thành công, trong đó khuyến khích các hộ nông dân cho thuê đất nông nghiệp hoặc góp giá trị quyền sử dụng đất mà không cần chuyển đổi quyền sở hữu ruộng đất…

  • Từ khóa
23534

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu