Thứ 5, 28/03/2024 19:12:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:41, 23/10/2018 GMT+7

Tín dụng “ích nước lợi dân”

Thứ 3, 23/10/2018 | 09:41:00 136 lượt xem
BP - Từ ngày 25-10-2018, sẽ thêm nhiều đối tượng là cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không cần tài sản bảo đảm vẫn được vay vốn tối đa đến 200 triệu đồng. Đó là một trong những quy định tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7-9-2018. Đây là nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Có thể thấy, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã mở ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân, cơ sở sản xuất - kinh doanh ở nông thôn cũng như hàng triệu trường hợp không ở nông thôn nhưng sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Với một tỉnh cơ cấu kinh tế, dân số cũng như tỷ lệ lao động ở nông thôn, sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu như Bình Phước, 2 nghị định này sẽ trở thành đòn bẩy vô cùng hữu hiệu cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đó là quy định trên văn bản, còn trong thực tế?

Hiện nay, việc thực hiện cho vay đối với trường hợp không có (hoặc không cần) tài sản bảo đảm trên địa bàn Bình Phước chủ yếu tại ngân hàng chính sách. Các ngân hàng thương mại cho vay tín chấp đối với công chức, viên chức, người lao động qua bảng lương và xác nhận của người đứng đầu đơn vị chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng dư nợ cho vay và là cho vay tiêu dùng, thuộc nhóm gói lãi suất cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Tại thời điểm 31-12-2017, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Phước là 1.987 tỷ 833 triệu đồng, cho 106.739 hộ vay, bình quân 24 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, theo báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 7-2018, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 63.570 tỷ đồng. Như thế, có khoảng 50% số hộ trong toàn tỉnh đã tham gia vay không có tài sản bảo đảm (nhưng) chỉ vay được khoảng 3% tổng dư nợ.

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ban hành ngày 9-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-7-2015. Thế nhưng, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách năm 2017 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 98,36% kế hoạch tăng trưởng được giao. Qua đó có thể thấy Nghị định số 55/2015/NĐ-CP triển khai tại Bình Phước chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả đó, như vốn huy động hoặc vốn được cấp không đủ, việc triển khai vào thực tế gặp khó khăn khi nợ xấu tăng, rủi ro cao... là những nguyên nhân khách quan dễ nhìn thấy. Song vẫn còn một nguyên nhân được cử tri phản ánh nhiều là tình trạng cán bộ ngân hàng gây khó dễ với người vay. Ngay cả với trường hợp có tài sản bảo đảm người vay cũng bị gây khó dễ. Thậm chí, còn lan truyền thỏa thuận ngầm phải trích lại 1-2% số tiền vay để chung chi cho cán bộ ngân hàng mới vay được vốn...

Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt chưa sát thực tiễn, còn lại tất cả chính sách đều hướng tới mục tiêu “ích nước lợi dân”, và chính sách về tài chính, tín dụng cũng vậy. Tuy nhiên, không phải tất cả chính sách đã ban hành đều mang lại kết quả như nhau, nếu không muốn nói nhiều chính sách còn bị một bộ phận lợi dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng, bởi đơn giản là họ nắm tiền trong tay. Vì thế, rất cần có quy định chặt chẽ để chính sách ban hành ra phải được thực thi trong thực tế, đồng thời có chế tài nghiêm minh nhằm hạn chế trường hợp trục lợi từ chính sách, từ từng đồng tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
108979

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu