Thứ 5, 25/04/2024 20:23:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:31, 05/12/2019 GMT+7

Tín dụng chính sách xã hội - đòn bẩy thoát nghèo

Thứ 5, 05/12/2019 | 06:31:00 325 lượt xem
BP - Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh cụ thể hóa quyết định này bằng Kế hoạch số 318/KH-UBND ngày 28-12-2016. Từ năm 2016 đến hết tháng 6-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã giải ngân 2.271,7 tỷ đồng, góp phần giúp 9.558 hộ thoát nghèo; 4.571 học sinh, sinh viên vay vốn đi học; 5.779 lao động được tạo việc làm. Ngoài ra, còn hàng trăm hộ ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới, khó khăn được tạo điều kiện xây, sửa nhà ở và đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Sử dụng vốn hiệu quả

Năm 2016, gia đình ông Huỳnh Dũng (1956), ngụ thôn 19/5, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập được NHCSXH huyện cho vay 40 triệu đồng từ chương trình vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Gia đình ông trồng 600 cây cà phê và chăm sóc 2 ha điều, 340 cây cao su. Mọi chi phí đều được ông ghi cụ thể hết 8,7 triệu đồng, số tiền còn lại dành bón phân vườn cây theo thời vụ. Ông Dũng trồng cà phê xen trong 1 ha điều, quá trình chăm sóc cùng hưởng lợi, nhờ vậy vườn cây phát triển rất xanh tốt.

Gia đình ông Huỳnh Dũng ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập vay vốn trồng cà phê, chăm sóc vườn điều và cao su

Dẫn khách ra thăm vườn cách nhà chừng 500m, ông Dũng phấn khởi khoe: “Cuối năm 2017, cà phê của gia đình cho thu bói 4 triệu đồng, năm 2018 thu gấp đôi và dự kiến năm nay thu khoảng 10-12 triệu đồng. Bên cạnh đó, 340 cây cao su 6 năm tuổi nay cũng được thu hoạch mỗi ngày 150 ngàn đồng; bình quân mỗi vụ điều thu hoạch trên 1 tấn, trị giá khoảng 30 triệu đồng. Trước đây, do không có vốn sản xuất nên ngoài 2 ha điều già cỗi, năng suất thấp, gia đình không xoay xở gì được. Từ khi tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH huyện, tôi đã có điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật, thâm canh... kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.

Sinh viên nghèo có cơ hội học tập

2 người con trai của ông Huỳnh Dũng là anh Huỳnh Thái Cao Nguyên (1996) và Huỳnh Thái Cao Sang (1999) còn được NHCSXH huyện cho vay vốn ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên. Trong đó, anh Nguyên học Cao đẳng Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh được vay 22 triệu đồng. Anh Nguyên đã tốt nghiệp và đang làm công nhân kỹ thuật cầu đường cho một công ty tại huyện Phú Riềng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Anh Sang đang học năm cuối Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình học, anh Sang được vay 15 triệu đồng.

Hộ ông Điểu Lớp ở thôn Phu Mang 2, xã Long Hà (Phú Riềng) thoát nghèo từ dự án vay vốn nuôi bò sinh sản

Gia đình ông Bùi Tấn Bản (1968) ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh có 3 con là sinh viên cũng được vay vốn ưu đãi để học tập. Trong đó, chị Bùi Thị Ly Ly (1996) học Đại học Công nghệ Đồng Nai được vay 23,5 triệu đồng. Hiện Ly đã tốt nghiệp và có việc làm tại thị xã Phước Long. Anh Bùi Tấn Chung (1994) học Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore tại Bình Dương được vay 22 triệu đồng và anh Bùi Tấn Kiểm (1998) học trung cấp nghề được vay 12,5 triệu đồng. Ông Bản khẳng định: “Nếu không có vốn vay ưu đãi dành cho sinh viên thì chắc chắn các con tôi không thể đi học, vì kinh tế gia đình khó khăn, nhà chỉ có 2 ha điều, mỗi năm bình quân thu khoảng 40 triệu đồng. Tôi làm Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, thu nhập chẳng đáng là bao. Vợ tôi nhận hạt điều về cạo vỏ lụa kiếm thêm thu nhập. Trả nợ dần theo kỳ hạn tạo điều kiện cho các con tôi được đi học và đã có việc làm. Đó là nền tảng vững chắc cho tương lai các cháu”.

Quyết tâm thoát nghèo

Tín dụng chính sách xã hội là trụ cột của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đóng vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp người nghèo tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp hoặc ưu đãi về điều kiện vay vốn, qua đó nhiều hộ có việc làm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, nhất là ở khu vực nông thôn; là đòn bẩy phát triển kinh tế, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội cải thiện cuộc sống, xóa nghèo bền vững.

Ông Trương Thanh Dũng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Phước cho biết

Ngày 26-11-2019, gia đình chị Thị Đen (1979), thôn Phu Mang 1, xã Long Hà tiếp tục được NHCSXH huyện Phú Riềng cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi để mua thêm bò sinh sản. Gia đình chị Đen hiện có 4 con bò, trong đó 3 con có thai. Bò dễ nuôi, ít bị bệnh và hiện giá bò giống, bò thịt trên thị trường đang ở mức cao là yếu tố quan trọng để gia đình chị nhân đàn. Từ đầu tháng 10-2019, gia đình chị Đen còn được UBMTTQVN huyện Phú Riềng hỗ trợ xây tặng nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng. Các hạng mục đã hoàn thiện, chỉ chờ bàn giao đưa vào sử dụng. Chị Đen phấn khởi nói: “Mấy năm trước, cuộc sống gia đình khó khăn tưởng chừng bế tắc. Giờ đây có sự giúp đỡ của Nhà nước nên vợ chồng tôi đã đăng ký thoát nghèo trong năm nay”.

Cùng ý chí quyết tâm thoát nghèo trong năm 2019, vợ chồng anh Điểu Khanh ở thôn Bù Ka 2, xã Long Hà đã nhận cạo mủ cao su thuê cho một gia đình trong xã với mức lương khoán 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, anh Khanh cũng được vay 70 triệu đồng để trồng 5 sào cây keo lá chàm, số còn lại dành mua phân bón chăm sóc điều. Tiêu biểu nhất là gia đình anh Điểu Gô (1980), ngụ thôn Phu Mang 3, xã Long Hà. Với 10 triệu đồng được vay từ năm 2008, hiện gia đình anh Gô có đàn bò trên 20 con. Bên cạnh đó, anh còn mua 1 ha điều trồng xen cao su. 3 năm qua, vợ và con gái anh đi làm công nhân tại thành phố Đồng Xoài thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, anh bán 13 con bò để xây nhà cấp 4, đồng thời trả hết các khoản vay ngân hàng. Ngoài ra, anh còn mua được xe máy, tivi, bàn ghế trị giá hàng chục triệu đồng.

Quang Minh

  • Từ khóa
1605

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu