Thứ 7, 20/04/2024 14:36:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 17:55, 18/01/2018 GMT+7

Tin đồn - vừa vô trách nhiệm lại thiếu đạo đức

Thứ 5, 18/01/2018 | 17:55:00 114 lượt xem

BP - Chuyện tung tin đồn qua mạng xã hội không còn xa lạ với mọi người. Nhiều tin đồn chỉ để cho vui, vô thưởng, vô phạt nhưng có những tin đồn khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản, nhiều người phải tìm đến cái chết vì không chịu được búa rìu dư luận. Vậy mà nhiều người vẫn lấy đó làm niềm vui!?

Một tin đồn từng gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán năm 2013 là tin chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng bị bắt lan nhanh trong sáng 21-2. Ngay lập tức, hàng loạt cổ phiếu của ngân hàng này bị bán tháo. VN-Index giảm 18 điểm và HNX-Index giảm 3,35 điểm. Vốn hóa của thị trường chứng khoán mất 29.000 tỷ đồng trong 1 phiên giao dịch. Năm 2017, phải kể đến tần suất tin đồn về bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội xuất hiện dày đặc. Thông tin này luôn được chia sẻ “nhiệt tình”, kéo theo nhiều bình luận đáng sợ. Cũng vì thế, nhiều người đã phải nhập viện, hoảng loạn do bị đánh đến “thừa sống thiếu chết” khi bị tình nghi, gán ghép là “mẹ mìn”!

Vài ngày qua, tin đồn dừa tươi tại một số nơi ở các tỉnh miền Tây bị bơm hương liệu, đường hóa học tạo ngọt, làm cho lượng dừa hàng hóa tiêu thụ giảm và giá rớt thê thảm. Điều này bất thường vì thời điểm làm các loại bánh, mứt, nấu thịt kho tàu, các loại chè… tăng cao. Người hiểu biết sẽ không tin vì không thể sử dụng bất kỳ loại dụng cụ nào bơm hương liệu, đường hóa học vào trái dừa còn nguyên lớp vỏ xanh, nguyên cuống được. Bởi vì áp suất nước bên trong trái dừa tươi rất lớn, nếu bị tác động, nước bên trong sẽ phun ra ngoài chứ không thể bơm thêm nước vào trong. Nhưng với người “lơ tơ mơ” thì lại bán tín bán nghi mà quay lưng với tâm lý “cho lành”.

Tin đồn từ trước đến nay luôn gây ra nhiều hậu quả tai hại. Đơn cử vụ việc đầu tháng 7-2017, các trang mạng xã hội lan truyền thông tin 2 nữ sinh bị Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận bắt giữ vì cưỡng hiếp một thanh niên đến tử vong. Sau đó, công an vào cuộc và cho biết thông tin hoàn toàn bịa đặt. Nhưng 2 nạn nhân vì cảm thấy sốc mà không muốn gặp ai, có người còn định tự tử.

Ở nước ta, tin đồn thất thiệt về nông sản vẫn là tai hại nhất. Từng có những thông tin như: khoai lang nhiễm chất độc da cam, xoài sử dụng bao trái nhiễm độc, bưởi gây ung thư... khiến nhiều nông dân điêu đứng. Sau 1 tin đồn thất thiệt, bao nhiêu vốn liếng đầu tư, mồ hôi, nước mắt của nông dân đổ sông, đổ biển. Cách đây hơn 1 tháng, cũng vì tin đồn ác ý “Người trồng hoa giấy tại Chợ Lách sử dụng thuốc gây ung thư để giữ bông hoa trên cây được lâu hơn” nên nhiều hộ đầu tư cả trăm triệu đồng đã phải hạ giá bán xuống còn một nửa mà vẫn không bán được. Dù báo chí có đưa thông tin cải chính nhưng nông dân đã thiệt hại rồi và nhiều người vẫn tẩy chay hàng vì nửa tin, nửa ngờ.

Thực tế cho thấy, việc đưa tin thất thiệt ngoài việc câu “like”, câu “view” còn vì động cơ bất chính khác thì ít nhưng thiệt hại, nỗi đau thì quá sức tưởng tượng và không biết đến bao giờ mới khắc phục được. Luật định, người tung tin lên mạng xã hội sai sự thật, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính cho đến hình sự. Người đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài hình phạt vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng mạng hiểu đó không chỉ là thiếu trách nhiệm trước phát ngôn của mình mà còn là hành vi thiếu đạo đức, đáng bị lên án, tẩy chay.

An Nhiên

  • Từ khóa
108798

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu