Thứ 3, 19/03/2024 11:14:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:51, 20/08/2019 GMT+7

Tín chấp cho dịch vụ nông nghiệp - tại sao không?

Thứ 3, 20/08/2019 | 06:51:00 973 lượt xem
BP - “Phải có đầu óc quản trị kinh doanh máu lửa như Hùng Nhơn hay Công Minh thì may ra các trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới kinh doanh được. Mỗi xã, phường hiện nay có cả chục cửa hàng, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần lãi một ngàn hay hòa vốn và ngay cả việc bán nợ cho người dân họ cũng làm được. Còn các trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì không. Tại vì đồng vốn tập thể và cơ chế vận hành như hiện nay không dễ gì làm dịch vụ được” - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Riềng Đỗ Thành Trung cho biết.

“TIẾNG VỌNG” TỪ DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP

“Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng hiện có 10 cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khuyến nông, thú y và bảo vệ thực vật. 7 trong 10 cán bộ của trung tâm hiện phải cắm địa bàn các xã để tập trung cho dập dịch tả lợn châu Phi. Có nghĩa là mỗi khi có dịch bệnh hại cây trồng hay vật nuôi thì toàn bộ lực lượng cán bộ của trung tâm đều tập trung phòng chống và dập dịch, không để xảy ra trên diện rộng” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng Lê Đức Trường cho biết.

Kỹ sư Lê Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng (giữa) đang hướng dẫn người dân xã Long Hà cách nhận biết bọ trĩ trên bông điều nhưng không thể thu phí dịch vụ nông nghiệp

Từ khi thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập các trạm thú y, bảo vệ thực vật và khuyến nông, hoạt động chủ yếu của trung tâm là tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân. Từ bệnh thán thư trên cây điều, xì mủ ở cây sầu riêng, nấm hồng trên cao su đến các loại sâu bệnh hại khác trên mỗi cây trồng hay lở mồm long móng, tiêu chảy trên gia súc, gia cầm trong thực tế chăn nuôi, trồng trọt đều được cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp tư vấn, hỗ trợ mỗi khi người dân có nhu cầu. Đây được xem là nhiệm vụ của kỹ sư trồng trọt hay chăn nuôi tại các trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện nay. Bởi nhiệm vụ này mà hầu hết các trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay không thể thu phí dịch vụ của người dân.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh Nguyễn Thị Hồng cho biết: Giá các mặt hàng nông sản như tiêu, điều, cao su những năm gần đây xuống thấp, đời sống của nông dân vốn khó khăn càng khó khăn hơn. Chính điều này mà các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cho dù có hỗ trợ, tư vấn, thậm chí cầm tay chỉ việc đến đâu cũng không thể thu phí người dân. Ngay cả khi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân còn phải hỗ trợ cơm trưa, nước uống cho người tham gia lớp tập huấn nên các trung tâm dịch vụ nông nghiệp không có bất kỳ nguồn thu nào từ dịch vụ công. Niềm vui lớn nhất của các bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp hiện nay là được tư vấn cho người dân và có người dân gọi điện nhờ tư vấn trong lĩnh vực nông nghiệp là mừng lắm rồi. Còn chuyện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay các dịch vụ khác trong lĩnh vực nông nghiệp thì không thể. Đơn giản là không có vốn, không có mặt bằng, không có cơ chế thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh để cạnh tranh với các cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh lĩnh vực này. Chức năng, nhiệm vụ của 11 trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện nay gần như không giống nhau, mỗi trung tâm hoạt động một kiểu. Trong số này chỉ duy nhất Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đang hoạt động hiệu quả nhờ có cơ sở đầu tư ban đầu từ các cổ đông bên ngoài cộng lại.

GỠ KHÓ CHO DỊCH VỤ

Có quá nhiều thuận lợi cho các trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh so với doanh nghiệp tư nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chưa khai thác một cách triệt để. Trước hết phải nói đến đội ngũ cán bộ của các trung tâm hiện nay đều là kỹ sư, thạc sĩ hay nói cách khác là đạt chuẩn trình độ đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Đội ngũ cán bộ này hưởng lương từ ngân sách. Đây được xem là lợi thế rất lớn của các trung tâm dịch vụ nông nghiệp mà không dễ gì doanh nghiệp tư nhân có được. Kế đến là bộ phận kế toán, thủ quỹ, người quản lý, lãnh đạo và trụ sở hoạt động cũng đã được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ một cách bài bản. Một trong những thuận lợi căn bản nữa là mối quan hệ giữa đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các trung tâm dịch vụ nông nghiệp với doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác trong nông nghiệp tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp tư nhân. Người nông dân đang tin tưởng rất lớn vào sự tư vấn từ các trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Thế nhưng việc kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của các trung tâm dịch nông nghiệp hiện nay gần như bất động hoặc không hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp (bên trái) trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi theo hướng hữu cơ sinh học cho người dân xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp nhưng không thể thu tiền dịch vụ nông nghiệp

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Bình Long Điểu NgLon Hơr cho rằng: Hoạt động của các trung tâm dịch vụ nông nghiệp hiện nay vừa không phải là công ty, doanh nghiệp vừa không phải cơ quan hành chính. Bởi đội ngũ cán bộ của trung tâm hưởng lương từ ngân sách nên phải làm theo mô hình dịch vụ công. Đã là dịch vụ công thì lấy lợi ích của người dân đặt lên hàng đầu, không vì lợi nhuận như doanh nghiệp tư nhân. Cái khó cơ bản nhất của trung tâm hiện nay là vốn đầu tư mặt bằng kinh doanh, kho bãi, vật tư nông nghiệp không có. Đồng lương của anh em trong đơn vị còn quá thấp nên không thể góp vốn để kinh doanh. Cho dù góp vốn có thành công thì không một lãnh đạo trung tâm nào dám nhận trách nhiệm nếu việc kinh doanh thua lỗ. Điều đó cho thấy tư tưởng dè chừng, sợ trách nhiệm vẫn còn tồn tại trong tư duy của các nhà quản lý, lãnh đạo.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng Lê Đức Trường khẳng định: Từ nay đến năm 2021, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải xây dựng lộ trình theo cơ chế tự chủ. Việc tự chủ sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng cao thu nhập cho người lao động và đặc biệt là giúp người dân tiếp cận được dịch vụ nông nghiệp một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Để làm được việc này trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cần linh động và mạnh dạn hỗ trợ đầu tư vốn ban đầu cho các trung tâm dịch vụ nông nghiệp hoạt động. Nguồn vốn ấy có thể lấy từ nguồn vượt thu ngân sách của địa phương hoặc từ vốn vay tín chấp ngân hàng. Mặt khác, người đứng đầu các trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải mạnh dạn cam kết và chịu trách nhiệm kinh doanh trước đồng vốn tín chấp của lãnh đạo UBND cấp mình.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
94607

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu