Thứ 4, 24/04/2024 07:50:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 15/09/2018 GMT+7

Tìm đúng bệnh nhưng cần “kê toa” đủ liều

Thứ 7, 15/09/2018 | 08:51:00 127 lượt xem
BP - Ngày 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV họp phiên thứ 27 để cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi. Tại phiên họp này, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng liên quan tới các chương trình thực nghiệm trong giáo dục gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục năm 2005, đã nảy sinh một số vấn đề bất cập và hạn chế, không theo kịp xu hướng phát triển của xã hội. Trong đó, một số quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, chưa thu hút, phát triển được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này sẽ thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và thế giới khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ, học sinh hiện nay quá khổ vì phải học thêm, nhiều nội dung còn cao siêu, nhưng hỏi về lịch sử lại không biết... Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã “bắt được mạch, tìm đúng bệnh” của nền giáo dục nước ta hiện nay. Bởi trong những năm qua, giáo dục nước ta đang nặng về hình thức và quá tải về nội dung. Tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan, bạo lực học đường, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong giáo viên... diễn ra ngày một phức tạp. Nhà trường đề cao việc dạy chữ, “bỏ rơi” nhiệm vụ giáo dục tâm lý, đạo đức và lối sống cho học sinh... Vài chục năm trước, 1 năm học chỉ diễn ra trong phạm vi 9 tháng, từ khi khai giảng năm học, ngày 5-9 năm nay, cho đến khi kết thúc vào tháng 5 năm sau. Sau đó, học sinh được nghỉ hè 3 tháng trọn vẹn, nên ngày khai giảng hết sức có ý nghĩa về một ngày hội, ngày mở đầu cho năm học mới đối với giáo viên và học sinh. Trong khi đó, học sinh các cấp chỉ học một buổi, còn một buổi vui chơi giải trí, phụ giúp gia đình việc nhà hay học thực tế từ công việc đời thường...

Ngày nay, học sinh phải đi học liên tục, học cả ngày, đêm và gần như không có nghỉ hè vì phải học thêm. Ngay cả trẻ chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm trường, tìm nơi học thêm cho con em mình vì tâm lý sợ không theo kịp chương trình... Và Bình Phước cũng trong tình trạng chung của cả nước, trong đó việc dạy thêm, học thêm đang rất đáng báo động. Nhiều thầy, cô chấp nhận điều tiếng, “lách luật” để tổ chức dạy thêm tại gia nhằm thu tiền hơn là trang bị kiến thức cho học sinh. Năm học 2018-2019, Bình Phước có trên 246.000 học sinh các cấp dự khai giảng vào ngày 5-9 nhưng thực chất các em đã học trước đó gần 1 tháng và rất đông học sinh phải học thêm ở nhà giáo viên.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Giáo dục đang có rất nhiều vấn đề cần phải bàn luận kỹ. Trong đó, cần quan tâm vấn đề giải trí, thực hành cho học sinh và giảm tải, chống lạm thu, chống bệnh thành tích, bệnh dạy thêm, học thêm trong các cấp học. Nói tóm lại, căn bệnh kinh niên của ngành giáo dục đã được bắt đúng mạch, tìm đúng bệnh nhưng rất cần người kê toa đúng liều.

 Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu