Thứ 6, 29/03/2024 00:20:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:56, 31/08/2017 GMT+7

Tiêu không ra hoa - Nông dân Bù Đốp nặng nỗi lo mất mùa

Thứ 5, 31/08/2017 | 06:56:00 823 lượt xem
BP - Bù Đốp là một trong 2 huyện có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất tỉnh, với trên 5.000 ha. Đang vào giai đoạn cuối hồ tiêu ra hoa đậu trái, tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều vườn tiêu trên địa bàn huyện xảy ra hiện tượng không ra hoa hoặc rụng hoa hàng loạt khiến người trồng lo lắng, thấp thảm vụ tiêu tới lại mất mùa.

Bà Phan Thị Như ở ấp 7, xã Thiện Hưng có 1.100 trụ tiêu năm thứ 4 xanh tốt đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Năm 2016, mặc dù mới cho bói nhưng vườn nhà bà cũng thu được trên 2 tấn tiêu khô. Gia đình bà mừng vì kiếm được số tiền kha khá để tiếp tục tái đầu tư. Niềm vui chưa được bao lâu, hiện bà không khỏi xót xa khi nhìn vườn tiêu chỉ toàn lá với cành. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy tỷ lệ ra hoa, đậu trái trong vườn của gia đình bà chỉ đạt 30%. Bà Như cho biết: “Năm nay mưa từ tháng 2 tới giờ, vườn cây bị úng nước, tác động xấu đến quá trình ra hoa đậu trái của cây. Vì thế, tôi rất lo bởi có thể vụ tới sẽ thất mùa nặng”. 

Ông Trần Văn Luyện (bìa phải) ở ấp 2, xã Thanh Hòa hiện không biết nên dùng thuốc gì để kích thích tiêu ra trái

Vườn tiêu của gia đình ông Trần Văn Luyện ở ấp 2, xã Thanh Hòa cũng tương tự. Hộ ông Luyện có trên 800 nọc tiêu năm thứ 10, gia đình ông áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc do Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn như bón phân, bơm thuốc kích thích ra hoa đậu trái và chống rụng trái non, phòng trừ các loại bệnh đầy đủ, bón lót thêm phân chuồng. Thế nhưng hoa tiêu đã ra rất ít lại rụng nhiều, tốn tiền mua phân, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Luyện cho biết: “Với tình trạng như hiện nay báo hiệu vụ tiêu này sẽ mất mùa khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn”.

 Không chỉ ở Bù Đốp mà nhiều vườn tiêu các huyện khác trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện tình trạng nêu trên. Các nhà vườn cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân làm cho tiêu không ra hoa hoặc hoa rụng hàng loạt, như: do bón phân không đầy đủ hoặc không kịp thời, sâu bệnh phá hoại... Tuy nhiên với địa bàn có nhiều nông dân thâm niên và kinh nghiệm trồng hồ tiêu như Bù Đốp thì nguyên nhân tiêu không ra hoa hoặc hoa rụng hàng loạt rất khó xảy ra. Những nhà nông có kinh nghiệm trồng tiêu cho biết, việc rụng hoa hàng loạt là do biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cây tiêu.

Ông Vũ Ngọc Thuận ở ấp 3, xã Thanh Hòa thâm niên canh tác cây tiêu trên 20 năm, hiện gia đình có 1.000 trụ trên 10 năm, trung bình mỗi năm thu hoạch trên 2 tấn hạt. Mặc dù giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng hộ ông cũng không thể tránh được vườn tiêu thất bát. Ông Thuận lý giải: “Tôi cho rằng do ảnh hưởng của thời tiết, tức là thời điểm thu xong vụ tiêu vừa rồi trễ, trong khi vừa thu hoạch xong lại gặp mưa dẫn đến tình trạng đa phần tiêu không ra hoa hoặc hoa rụng hàng loạt”.

Thạc sĩ Phạm Văn Bắc, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Đối với những vườn tiêu trên địa bàn huyện Bù Đốp niên vụ 2017, theo đánh giá của các nhà khoa học cũng như người nông dân thì lượng hoa ra rất ít. Để cây tiêu ra hoa đồng loạt, yêu cầu phải có thời gian khô hạn nhất định sau khi thu hoạch, đặc biệt đối với giống tiêu Vĩnh Linh thì thời gian khô hạn cần dài hơn khoảng 45-60 ngày. Tuy nhiên năm 2017, gần như không có mùa nắng, mưa kéo dài và mưa sớm làm cho cây tiêu không phân hóa được hoa. Vì vậy, những vườn tiêu năm nay ra ít hoa, nhà vườn cần lưu ý không nên bón các loại phân có hàm lượng đạm cao nhằm hạn chế khả năng phát triển thân, lá giúp quá trình ra hoa được tốt hơn. Năm nay hoa không ra nghĩa là cành, lá tiêu phát triển rất mạnh, chắc chắn năm 2018 bông sẽ ra rất nhiều. Nếu thời tiết không có khô hạn thì tiêu vẫn ra hoa bình thường. Nông dân cần chuẩn bị một số biện pháp kỹ thuật để giữ hoa niên vụ năm sau cho tốt nhằm cải thiện năng suất cây tiêu”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp: Năm 2016, tổng diện tích hồ tiêu của huyện là 4.372 ha; năm 2017, dự kiến tăng lên 5.000 ha. Thời gian qua, hồ tiêu liên tục mất mùa, rớt giá, thế nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô trồng loại cây này, đây là điều đáng lo ngại. Để canh tác đạt hiệu quả cao người nông dân cần nắm vững kiến thức khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, có giải pháp thâm canh đa cây, đa con. Có như thế nhà nông không phải loay hoay với điệp khúc “mất mùa, mất giá” hoặc “trồng - chặt” để rồi nghèo vẫn hoàn nghèo.

Đức Trung

  • Từ khóa
93350

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu