Thứ 6, 29/03/2024 02:14:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:35, 30/05/2018 GMT+7

Tiêu chết hàng loạt, nông dân Bù Đốp “méo mặt”

Thứ 4, 30/05/2018 | 06:35:00 7,410 lượt xem
BP - Từ năm 2017 đến nay, nhiều diện tích tiêu của người dân trên địa bàn Bù Đốp chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, gây thiệt hại về kinh tế và tạo tâm lý bất an trong người trồng tiêu.

Nông dân ở huyện Bù Đốp hiện đứng ngồi không yên vì diện tích tiêu chết đang lan rộng trên địa bàn nhiều xã. Toàn huyện hiện có trên 150 ha tiêu bị chết, trong đó xã Tân Thành diện tích tiêu chết hàng loạt nhiều nhất với hơn 45 ha/82.000 nọc của 205 hộ dân. Nhiều hộ tiêu chết vài ba ngàn nọc, thiệt hại hàng tỷ đồng và đã có gia đình phá sản vì hồ tiêu.

Tiêu chết hết, ông Trần Văn Tiền, ấp Tân Định, xã Tân Thành phải dỡ bỏ trụ để trồng cây khác

4 năm trước, gia đình ông Trần Văn Tiền, ấp Tân Định, xã Tân Thành trồng  hơn 2.000 trụ tiêu giống Vĩnh Linh. Sau 2 năm trồng, vườn tiêu của gia đình ông Tiền được Hội Nông dân xã và người dân trong vùng đánh giá là một trong những vườn tiêu đẹp nhất xã. Thế nhưng vào cuối mùa mưa năm ngoái, cả vườn tiêu của gia đình ông tự nhiên ngả vàng và hơn 10 ngày sau rụng hết lá, chết lụi hàng loạt. Toàn bộ số tiền gia đình ông dành dụm nhiều năm đầu tư vào vườn tiêu xem như mất trắng, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Để có tiền trang trải cuộc sống khi cây tiêu không còn, ông Tiền trồng xen cỏ voi trong vườn vừa tận dụng lá cây keo và cỏ để chăn nuôi dê, bò. Tuy nhiên, vì xót công lại tiếc của nên hằng ngày ông Tiền đào gốc cây, xem rễ cây tiêu để tìm câu trả lời vì sao vườn của mình cũng như nhiều hộ khác trong vùng lại chết hàng loạt và nhanh đến như vậy?

Sát vườn tiêu nhà ông Tiền là 2.500 trụ tiêu năm thứ 3 của gia đình ông Trương Văn Cảnh, trú ấp Tân Lợi, xã Tân Thành cũng bị chết không còn trụ nào. Ông Cảnh phải thuê nhân công phá gỡ dây, trụ tiêu và chặt bỏ những trụ sống để chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Tuy nhiên, số tiền gia đình dành dụm được trên 1 tỷ đồng đã đầu tư hết vào vườn tiêu, nay hết vốn nên rất khó cải tạo vườn và trồng cây khác.

Qua tìm hiểu tại các vườn tiêu bị chết hàng loạt trên địa bàn, thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vườn tiêu bị chết hàng loạt là do vào cuối năm 2014 đến 2016 giá tiêu tăng cao đột biến, lên đến 220 ngàn đồng/kg nên người dân đồng loạt chuyển đổi các loại cây trồng như cao su, điều, cây ăn trái... sang trồng tiêu. Việc trồng tiêu tự phát không theo quy hoạch nên có những vị trí đất không phù hợp cho cây tiêu phát triển. Bên cạnh đó, do các hộ dân đã mua phải giống tiêu trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng nên chỉ sau một thời gian cây bị suy kiệt và chết. Mặt khác, do thời tiết năm 2017 mưa nhiều và lớn trên địa bàn huyện Bù Đốp nên nước không thoát kịp khiến vườn tiêu bị ngập, gốc bị úng, rễ thối. Khi chuyển sang mùa khô thì cây tiêu đã mất chất dinh dưỡng, không còn sức dẫn đến vàng lá rồi chết. Bên cạnh đó, mưa nhiều, độ ẩm cao làm bùng phát các dịch bệnh hại rễ, thân cây khiến cây tiêu vàng lá rồi chết.

Huyện Bù Gia Mập có khoảng 2.704 ha tiêu, riêng xã Đắk Ơ có 1.540 ha, xã Bù Gia Mập 310,5 ha, Phú Văn 157 ha... Vụ tiêu năm 2017-2018, huyện Bù Gia Mập có 150,8 ha bị vàng lá rồi chết hàng loạt, giống tình trạng tiêu ở huyện Bù Đốp.

Chia sẻ vấn đề này, một vị lãnh đạo Huyện ủy cho biết, hiện vẫn chưa phát hiện được cây tiêu chết vì bệnh gì mà chỉ gọi chung là bệnh chết nhanh, chết chậm hoặc bệnh lạ. Cũng có ý kiến cho rằng, do đất bạc màu, bị thoái hóa hoặc đất không phù hợp cho cây tiêu và do diễn biến phức tạp của thời tiết... Cũng có lập luận rằng, do cây gốc đang vào thời kỳ suy thoái hoặc bị nhiễm bệnh nhưng người dân không biết nên cắt cây về giâm cành làm giống và chỉ sau một vài vụ thu hoạch, cây sẽ kiệt sức dẫn tới chết hàng loạt...

Hiện vẫn chưa có lập luận nào thuyết phục, nhưng tình trạng chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu ở Bù Đốp đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Đầu năm 2018, trên địa bàn huyện xảy ra mưa kèm theo lốc xoáy đã làm gãy đổ hơn 45.000 trụ tiêu ở Bù Đốp càng làm cho người dân thêm điêu đứng. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu nên ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân phải làm mương thoát nước trong vườn tiêu và tỉa bớt những cành làm trụ đỡ không cần thiết để vườn cây được thông thoáng. Bên cạnh sử dụng các loại thuốc phòng trừ bệnh, phải nhanh chóng thu gom cây tiêu đã chết về một điểm để vệ sinh, xử lý tàn dư thuốc bảo vệ thực vật và dùng vôi bột khử trùng vùng bệnh hạn chế sự lây lan... Bên cạnh đó, người trồng tiêu thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường của tiêu, báo cho Trạm bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông địa phương để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Gia Nghi

  • Từ khóa
94384

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu