Thứ 6, 19/04/2024 20:02:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:18, 18/11/2016 GMT+7

Tiết kiệm - việc không khó nhưng dễ quên

Thứ 6, 18/11/2016 | 09:18:00 82 lượt xem
BP - Ngày 30-10, tại Hà Nội, Ủy ban TWMTTQVN phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát động “Tuần lễ hưởng ứng ngày tiết kiệm thế giới năm 2016”.

Đây là năm đầu tiên Việt Nam hưởng ứng ngày này. Trong rất nhiều ngày kỷ niệm, người viết cho rằng đây là một ngày đáng để phát động đến tất cả mọi người bởi ý nghĩa thiết thực của nó nhưng từ xưa tới nay chúng ta lại rất dễ quên. “Tiết kiệm” mang nghĩa rất rộng chứ không chỉ là chi tiêu dè xẻn, nhưng trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ xin đề cập tới một khía cạnh nhỏ là tiết kiệm thức ăn. 

Tuy còn nhiều người nghèo khó, hằng ngày chật vật vẫn không đủ ăn, nhưng về cơ bản cuộc sống của người dân hôm nay đã khấm khá hơn rất nhiều so với trước. Theo đó, sự lãng phí thức ăn đang diễn ra ngày càng nhiều ở mỗi gia đình. Mở tủ lạnh của bất cứ gia đình nào cũng đều cho thấy sự lãng phí thể hiện ở những túi rau, quả, bánh kẹo để quá lâu rồi phải vứt bỏ. Tình trạng thức ăn bị bỏ thừa không chỉ ở các hàng quán, đám tiệc mà ngay tại từng gia đình và hầu hết đều bị vứt bỏ. Dân ta khi vào quán (nhất là khi tiếp khách) thường có thói quen gọi rất nhiều món, nhưng chẳng bao giờ ăn hết bởi sức chứa của dạ dày có hạn. Đến cửa hàng thức ăn tự chọn, dù có bảng nhắc nhở: “lấy thức ăn vừa đủ để tránh lãng phí” nhưng một số người mắc bệnh “con mắt lớn hơn cái bụng” nên vẫn để thức ăn thừa mứa trên đĩa. Trong khi đó, những người khách nước ngoài chỉ lấy vừa đủ ăn và không bỏ lại thức ăn thừa khi rời bàn ăn. Vào dịp tổng kết cuối năm, cơ quan nào cũng bày tiệc. Thế nhưng những ngày này cũng là dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền nên ai nấy đều tranh thủ đi mua sắm hoặc về dọn dẹp nhà cửa nên rất ít người dự tiệc, nếu có cũng chỉ ăn chiếu lệ nên thức ăn thừa mứa ê hề.

Thống kê của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy khoảng 1/3 thực phẩm trên thế giới bị hư hỏng hoặc bỏ đi trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, gây thiệt hại đến 940 tỷ USD/năm. Điều nghịch lý là cho dù còn rất nhiều thức ăn bị lãng phí nhưng vẫn có đến 800 triệu người trên thế giới đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm. Hình ảnh những người ăn xin nhặt đồ ăn trong thùng rác, bữa cơm của những người nghèo khó chỉ một đĩa rau hoặc măng tre, những em bé vùng cao ngồi vét cơm nguội hay chuyện các cô giáo một trường mầm non ở Thanh Hóa phải đi bắt nòng nọc, ve sầu, ếch nhái về cải thiện bữa ăn để có chất đạm cho thấy một nghịch lý đau lòng trước sự lãng phí thức ăn của những người dân đô thị. Nhưng không chỉ có thế, lãng phí thức ăn còn góp phần làm tăng lượng rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

Sinh thời, Bác Hồ có lối sống rất giản dị, tiết kiệm. Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện một hôm Bác mệt, ngại ăn cơm nên bảo cô cấp dưỡng lấy cơm nguội nấu thành cháo ăn để khỏi lãng phí. Người tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt khi đi công tác, Người yêu cầu anh em mang theo cơm nắm để không làm phiền nơi đến công tác.

Tiết kiệm không phải là việc làm quá khó, nếu mọi người đều thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Không cần to tát, chỉ cần dè xẻn trong chi tiêu, tiết kiệm trong từng bữa ăn, không phô trương, lãng phí và vận động mọi người cùng tiết kiệm hằng ngày là chúng ta đã, đang làm theo phong cách, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi.

Thảo Linh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu