Thứ 6, 29/03/2024 02:29:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:29, 08/01/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ CÙNG NHÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG (7-1-1979 – 7-1-2019)

Tiếp tục vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Bình Phước và các tỉnh Campuchia

Thứ 3, 08/01/2019 | 10:29:00 1,296 lượt xem
BP - Việt Nam - Campuchia là 2 nước láng giềng thân thiết, núi sông liền một dải, nhân dân 2 nước cùng uống chung dòng nước Mê Kông. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhân dân 2 nước luôn kề vai sát cánh chia ngọt sẻ bùi trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập dân tộc, lật đổ chế độ diệt chủng, xây dựng và phát triển đất nước. Mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp - Hữu nghị truyền thống - Hợp tác toàn diện - Bền vững lâu dài”.

Đoàn kết, gắn bó từ kháng chiến giải phóng dân tộc

Việt Nam, đất nước vừa yên tiếng súng sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng, chính quyền và quân - dân cả nước đang nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt tay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Sau thắng lợi ngày 17-4-1975, trái với mong đợi của nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam, tập đoàn diệt chủng do Pol Pot (Pôn Pốt), Ieng Sary (Iêng Xa-ri), Khieu Samphan (Khiêu Xăm-phon), Nuon Chea (Nuôn Chia), Ta Mok (Tà Mốc), Ieng Thy Rith (Iêng Thi Rít) cầm đầu một mặt thực hiện chế độ diệt chủng đẩy dân tộc Campuchia vào nguy cơ bị diệt vong, đồng thời trở mặt đưa quân tấn công xâm lược Việt Nam.

Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn biên giới thuộc Quân khu 7, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam trong tình thế bất ngờ và phải phòng ngự bị động. Đây là giai đoạn địch phát động chiến tranh xâm lược, chủ động tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới. Ta chưa xác định được rõ kẻ thù, bị bất ngờ, lúng túng đối phó; vừa chiến đấu vừa khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, từng bước giành lại thế chủ động trên chiến trường. Sau thời gian đầu bị động đối phó, dưới sự chỉ huy của tiền phương Quân khu 7, LLVT tỉnh tập trung điều chỉnh biên chế, tổ chức, tham gia chiến dịch tiến công tổng hợp, đánh chiếm các bàn đạp tiến công của địch trên biên giới của tỉnh (Cà Chay, Mi Mốt, Snoul).

Các nhân chứng người Campuchia chỉ tọa độ và nơi chôn cất hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại huyện Kratie, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia cho Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước - Ảnh: Hoàng ThuCác nhân chứng người Campuchia chỉ tọa độ và nơi chôn cất hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại huyện Kratie, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia cho Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước - Ảnh: Hoàng Thu

Từ ngày 22 đến 29-12-1977, tỉnh sử dụng Trung đoàn 205 của quân khu đánh chiếm Cà Chay, Mi Mốt, sau đó phát triển theo trục lộ 7, đánh chiếm khu vực ngã ba Snoul và thị trấn Snoul. Trên hướng đường 13, từ ngày 22 đến 26-12-1977, Tiểu đoàn 1 Phú Lợi phối hợp Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 88 đánh nhỏ lẻ lấn địch từ km0 đến km8, tạo được bàn đạp thuận lợi cho Trung đoàn 88 vào chiến đấu.

Sau khi mất đường 7 Snoul, trước tình hình Kratie bị uy hiếp, ngày 1-1-1978, địch gấp rút điều Sư đoàn 117 thuộc Quân khu 203 sang tăng cường hướng đường 13, cùng với lực lượng địa phương vùng 505 tổ chức phản kích lại ta ở khu vực Cầu Cát Đại đến ngã ba Snoul. Lực lượng Trung đoàn 205 phối hợp Sư đoàn 2 tập trung đánh địch ở ở khu vực ngã ba Snoul.

Ngày 15-3-1978, địch sử dụng lực lượng 2 tiểu đoàn (thiếu) gồm lực lượng vùng 505, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 93 tiến công vào thôn Xa Trạch và thôn 5, thôn 6, xã Thiện Hưng, Hưng Phước (Bù Đốp) giết hại 210 người dân vô tội, làm bị thương 49 người khác, đốt cháy 296 nhà dân. Trong tháng 4 và 5-1978, địch đẩy các hoạt động nhỏ, lẻ đánh vào tuyến biên giới (28 lần hoạt động trinh sát vào xã Lộc Hòa, bắc ngã ba đường 10 và cặp theo lộ 14, Sóc Nê, Suối Đá, Thanh Hòa, cánh đồng Gia Ray, thôn 4, Bù Đốp); dùng bộ binh lấn chiếm, xây dựng 4 chốt trên đất ta; 75 vụ hoạt động tiến công nhỏ, lẻ bằng bộ binh.

Trong thời kỳ này, LLVT tỉnh trên tuyến biên giới đã chạm súng với địch gần 200 lần (ta chủ động tổ chức cấp trung đội tiến công truy đuổi địch 30 lần, tổ chức truy đuổi dọc biên giới cấp tiểu đoàn, đại đội 13 lần...). Trong đó có những trận chiến đấu ác liệt trên các cao điểm 95, 102, 155, Đồn biên phòng Hoa Lư... Lực lượng các đơn vị Trung đoàn 205, Tiểu đoàn Phú Lợi, Đại đội 31 Lộc Ninh, Đại đội 61, 70, lực lượng cơ động bộ đội biên phòng và lực lượng các đồn biên phòng thay nhau giữ chốt dài ngày trong điều kiện mùa khô thiếu nước uống liên tục. Bộ đội đã khắc phục thiếu thốn vượt qua khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu. Kết quả chung trong 5 tháng, các LLVT tỉnh trên tuyến biên giới đã loại khỏi vòng chiến đấu 611 tên địch, thu 101 súng các loại.

Trải qua hàng ngàn trận chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có LLVT tỉnh, đã mở cuộc phản công chiến lược, sau đó chuyển sang tiến công phối hợp các LLVT cách mạng Campuchia, đánh tan lực lượng quân sự Khơme Đỏ, xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh và đất nước Campuchia được giải phóng. Thể theo nguyện vọng của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, chính thức đề nghị Chính phủ ta để quân tình nguyện ở lại giúp bạn một thời gian. Quân tình nguyện đã ở lại giúp nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước, lực lượng, bảo vệ thành quả của nhân dân, hồi sinh dân tộc. 10 năm ở lại giúp bạn, quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, thể hiện phẩm chất tốt đẹp bộ đội Cụ Hồ trên đất bạn.

Giữ gìn và phát huy tình hữu nghị truyền thống

Qua thử thách lịch sử, tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân 2 nước vẫn đậm đà, thủy chung, gắn bó keo sơn; tình hữu nghị giữa 2 dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Chính quyền và nhân dân các tỉnh dọc tuyến biên giới 2 nước đã có nhiều hoạt động thắm đượm tình nghĩa anh em. Đặc biệt, năm 2012, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Bình Phước được thành lập. Hội là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân các tỉnh của Campuchia với Bình Phước. Từ đó, Bình Phước cùng các tỉnh Kratie, Mundulkiri, Kampongthom, Tbong  Khmum... luôn có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực kinh tế, Bình Phước hiện có 4 dự án đầu tư trong lĩnh vực trồng, khai thác, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su, điều tại Campuchia còn hiệu lực với tổng vốn trên 148 triệu USD. Năm 2018, Bình Phước đã thực hiện bán điện cho Campuchia với sản lượng hơn 25 triệu kW. Về hợp tác phân giới cắm mốc, hiện Bình Phước đã hoàn thành 100% cắm mốc đường biên giới.

LLVT tỉnh Bình Phước và các tỉnh giáp ranh Campuchia thường xuyên trao đổi đoàn quân sự, ký kết nhiều văn bản hợp tác. Theo đó, 2 bên cũng thường xuyên duy trì chế độ trao đổi thông tin và cung cấp tình hình kịp thời nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Đáp lại những tình cảm và sự hỗ trợ vô điều kiện của chính quyền, quân đội và nhân dân nước bạn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh hỗ trợ 3 tỉnh Kratie, Kampongcham, Mundulkiri, Vương quốc Campuchia lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, một số giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, tặng quà chính quyền, LLVT bạn nhân dịp lễ, tết, tổng kết, giao ban trao đổi tình hình... trị giá hàng tỷ đồng. Hằng năm, đều tổ chức các đoàn quân dân y khám, chữa bệnh cho nhân dân nước bạn.

Với lịch sử đoàn kết gắn bó, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau vô tư, trong sáng và có hiệu quả trong suốt nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh bạn Campuchia có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong thời gian tới.  

Đại tá Vũ Tiến Điền
Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh

  • Từ khóa
25499

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu