Thứ 7, 20/04/2024 13:06:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:14, 28/06/2016 GMT+7

Tiếp tục thực hiện Đề án 986 và 987

Thứ 3, 28/06/2016 | 15:14:00 4,014 lượt xem

BPO - Ngày 10-9-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 986-QĐ/TU ban hành Đề án “Phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng bộ tỉnh Bình Phước” (gọi tắt là Đề án 986) và Quyết định số 987-QĐ/TU ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Phước” (gọi tắt là Đề án 987). Sau hơn hai năm thực hiện, ngày 16-5-2016, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 43 - KL/TU về tiếp tục thực hiện Đề án 986 và 987 với những nội dung chủ yếu như sau:

* Những chuyển biến tích cực và những hạn chế, yếu kém:

Nhận thức của cán bộ, đảng viên trong tỉnh về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Đề án đã góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng; khắc phục được một số hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng; góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đa số cấp ủy đảng các cấp đã nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm trong học tập nghị quyết của Đảng được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên toàn tỉnh tham gia học tập đạt trên 95%, có nơi đạt 100%. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác triển khai học tập nghị quyết của Đảng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện hai đề án vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có nơi chưa được phát hiện kịp thời để giáo dục, răn đe, ngăn chặn. Đa số các cấp uỷ đảng chưa có hình thức, biện pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, quản lý, giám sát, giáo dục và ngăn ngừa tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Chưa lượng hóa được đầy đủ và chính xác số lượng và mức độ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để đề ra giải pháp khắc phục.

Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của một số cấp ủy đảng còn chung chung, chưa sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số nơi chưa tốt, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả triển khai, học tập nghị quyết. Việc đưa học tập nghị quyết vào đánh giá phân loại đảng viên cuối năm thực hiện chưa nghiêm túc.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do: Một số cấp uỷ đảng, các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa thực tiễn cấp bách của Đề án, chậm xây dựng kế hoạch triển khai, hoặc triển khai qua loa, chiếu lệ, chưa theo dõi, chưa tích cực phối hợp, chậm kiểm tra, đôn đốc, lãnh đạo thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu hậu kiểm tra, thiếu quan tâm đến nơi yếu.

* Nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục thực hiện Đề án 986:

Thực hiện nghiêm quy định việc mua, đọc và làm theo báo Đảng theo Chỉ thị số 44-CT/TU ngày 7-5-2015 của Tỉnh ủy. Cấp ủy huyện, cơ sở và tương đương tổ chức hội nghị thông tin thời sự định kỳ, ít nhất hai tháng một lần, kịp thời cập nhật những vấn đề lý luận và thực tiễn, nhất là những vấn đề nóng, bức xúc mà cán bộ, đảng viên quan tâm. Định kỳ hàng quý tổ chức hội nghị thông tin thời sự cho cán bộ chủ chốt của tỉnh. Duy trì thường xuyên và nề nếp việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp theo Quy định 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư. Phát hiện và đấu tranh kịp thời với những tư tưởng sai trái, phản động, lối sống cơ hội, thoái hóa, biến chất.

Tăng cường đi cơ sở, có hình thức để lắng nghe, phản ánh và giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị của nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, điều tra dư luận xã hội bằng nhiều hình thức linh hoạt. Cấp tỉnh tổ chức ít nhất 4 đợt điều tra dư luận xã hội trong năm; các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức ít nhất 2 đợt trong năm. Đối với các chủ trương, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng giải quyết và thông báo những vấn đề cần chú ý sau điều tra dư luận xã hội đến các cơ quan liên quan.

Tiến hành thường xuyên, chặt chẽ công tác quản lý đảng viên; chú ý các quan hệ xã hội, các nguồn thu nhập, lối sống của đảng viên; kịp thời phát hiện và báo cáo với cấp có thẩm quyền những dấu hiệu bất thường về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên. Triển khai thực hiện nghiêm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Các cấp ủy đảng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Chi ủy chi bộ, trước hết là bí thư chi bộ cần chủ động phát hiện tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ngay trong chi bộ mình, báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Thực hiện nghiêm Quy chế cung cấp thông tin cho báo chí sau kỳ họp Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy. Công bố kết quả thanh tra, kiểm tra, kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bí thư cấp ủy các cấp có trách nhiệm định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm báo cáo cấp trên trực tiếp: Số lượng và mức độ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở địa phương, đơn vị mình căn cứ theo biểu hiện của suy thoái…

Các cơ quan báo chí của tỉnh: Hàng tháng có bài viết sắc bén, lên án những biểu hiện tiêu cực, phai nhạt lý tưởng trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện chuyên mục đấu tranh chống các quan điểm, sai trái, thù địch, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa trên các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) định kỳ hàng tuần.

Thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Định kỳ hàng quý rà soát các vụ việc khiếu nại đông người còn tồn đọng, các vụ việc trọng điểm, nghiêm trọng, đề ra kế hoạch tập trung chỉ đạo dứt điểm, triệt để, báo cáo cấp ủy trực tiếp.

* Tiếp tục thực hiện Đề án 986:

Các cấp ủy đảng, trước hết là Ban Thường vụ, đồng chí Bí thư cấp ủy cần nắm vững tinh thần, nội dung của Đề án để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả. Tiếp tục nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong học tập nghị quyết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên không nghiêm túc trong học tập nghị quyết. Thực hiện nghiêm chủ trương đưa việc học tập nghị quyết vào đánh giá phân loại tổ chức đảng, cán bộ đảng viên cuối năm. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy cụ thể hóa việc học tập nghị quyết là một trong những tiêu chí đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên cuối năm.

Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các hình thức triển khai, quán triệt nghị quyết. Sử dụng hình thức truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước với những nội dung phù hợp. Cấp ủy các cấp thực hiện tốt đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (nhất là ở các xã, phường, thị trấn), đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn, các điểm tổ chức học tập có màn hình tivi lớn, bàn ghế... cho học tập nghị quyết qua truyền hình trực tiếp. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước nâng cấp hệ thống đường truyền đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Thực hiện triển khai, học tập nghị quyết và hội nghị báo cáo viên bằng hình thức trực tuyến.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, xem đây là nhiệm vụ quan trọng để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Nội dung, chương trình, kế hoạch phải cụ thể, sát tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, có thời gian, lộ trình, phân công cụ thể tổ chức, cá nhân và đảm bảo kinh phí để thực hiện. Việc xây dựng chương trình hành động là khâu ưu tiên và phải được thể hiện từ xây dựng, thảo luận, quán triệt đến tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc; phải hoàn thành ngay sau khi học tập, quán triệt nghị quyết.

Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác học tập, quán triệt những nội dung cơ bản của nghị quyết và thông qua chương trình hành động của đảng bộ; xây dựng kế hoạch hành động của cá nhân; trực tiếp truyền đạt nội dung nghị quyết và chủ trì thảo luận, thông qua chương trình hành động của cấp ủy khối, ngành, địa phương, đơn vị; trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị sự hỗ trợ của tổ báo cáo viên cấp trên hoặc cử một số đồng chí trong cấp ủy; chỉ đạo việc viết thu hoạch của người học một cách thiết thực, không qua loa, hình thức; bố trí thời gian hợp lý để viết thu hoạch và chỉ đạo hình thức đánh giá kết quả thu hoạch; tiếp thu đề xuất, kiến nghị để hoàn chỉnh chương trình, kế hoạch hành động.

Để thực hiện tốt hai đề án trên, Ban thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy quán triệt kết luận này đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, phù hợp và thiết thực. Đưa nội dung kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kết luận này là một trong những nội dung chương trình kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm của cấp ủy.

VP

  • Từ khóa
7471

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu