Thứ 5, 25/04/2024 13:40:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:15, 03/05/2016 GMT+7

Tiếp thêm ngọn lửa đổi mới cho doanh nghiệp

Thứ 3, 03/05/2016 | 09:15:00 85 lượt xem
BPO - Chưa bao giờ những cam kết về hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh lại được các thành viên Chính phủ cùng đưa ra một cách mạnh mẽ và rõ ràng đến thế. Các thông điệp trên được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và tạo ra làn gió mới cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới…

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã phát đi thông điệp coi việc phát triển nền kinh tế đất nước dựa trên nền tảng phát triển cộng đồng doanh nghiệp và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp phải đi vào thực chất giải quyết trực tiếp vấn đề của doanh nghiệp, chứ không phải là tổ chức các hội thảo, gặp nhau rồi ra về. Sau thông điệp của Chính phủ và lời “hiệu triệu” của Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, đi đầu là hệ thống ngân hàng.

Theo đó, ngay sau hội nghị, các ngân hàng đã lần lượt công bố chính sách lãi suất cho vay ưu đãi mới, khống chế mức tối đa đối với các khoản vay trung và dài hạn, giảm cho các khoản vay ngắn hạn mới. Đối với các khoản vay mới trung và dài hạn, lãi suất cho vay tối đa được xác định là 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn có thể giảm thêm tới 0,5%/năm, tùy các lĩnh vực ưu tiên và chất lượng khoản vay; hoặc đưa ra các gói tín dụng gắn với mức lãi suất ưu đãi cụ thể. Tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà, BIDV sẽ tiết giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đến 0,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn tối đa không quá 10%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh dù BIDV sẽ giảm doanh thu khoảng 400-450 tỷ đồng. Cam kết trên nhằm khẳng định, nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, BIDV đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính...

 
Dây chuyền lắp ráp xe máy ở khu công nghiệp Đồng Văn (tỉnh Hà Nam). 

Ngoài BIDV, các ngân hàng khác như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… đều công bố hạ lãi suất cho vay nhằm giúp đỡ doanh nghiệp. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các ngân hàng giảm lãi suất chứng tỏ thiện chí ủng hộ chủ trương của Chính phủ hỗ trợ cho vay doanh nghiệp và thắp lên hy vọng cho nhiều doanh nghiệp đang vất vả chống đỡ với chi phí vốn cao và hàng tồn kho lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng hy vọng, ngân hàng sẽ xem xét giảm bớt những điều kiện cho vay ngặt nghèo để doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu tài sản thế chấp, có thể tiếp cận được vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục mở rộng kinh doanh.

Kỳ vọng vào sự thay đổi mạnh mẽ

Tại hội nghị vừa qua, thông điệp của Chính phủ và lời “hiệu triệu” của Thủ tướng đã rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sự vào cuộc và thực hiện các cam kết của các bộ, ngành, địa phương để tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, triệt để. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ba vấn đề bức xúc nhất được các doanh nghiệp trông đợi Chính phủ quyết liệt “ba giảm” trong thời gian tới là: Giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; giảm gánh nặng chi phí tăng lên; giảm thanh tra, kiểm tra, sách nhiễu phiền hà doanh nghiệp để "giải phóng" những khó khăn, hạn chế đang kìm hãm doanh nghiệp tăng tốc, phát triển. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sẽ có những biện pháp quyết liệt để không còn tình trạng chủ trương, chính sách thì đúng nhưng thực thi không đúng, thậm chí không thực hiện.

Thiếu tướng Đào Văn Tân, Chính ủy Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) cho biết: Cũng như các doanh nghiệp khác, chúng tôi kỳ vọng rất cao vào những cam kết của các bộ, ngành tại hội nghị vừa qua. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Cần tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp xây dựng trước tiên về vốn, bởi vốn của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng không cao, để sản xuất, các doanh nghiệp phải vay ngân hàng là chủ yếu. Mặt khác, cũng phải tạo điều kiện thanh toán nhanh cho doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, nợ đọng vốn của các doanh nghiệp rất lớn, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thiếu tướng Đào Văn Tân tin tưởng: Với sự đổi mới và quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn sẽ tạo được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Một số chuyên gia cho rằng: Chính phủ giữ vai trò định hướng và đưa ra những chính sách, giải pháp để giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển, nhưng điều quan trọng nằm ở chính các doanh nghiệp, họ phải chủ động, sáng tạo, đủ mạnh để vượt qua khó khăn và bước vào hội nhập. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) phân tích: Chủ thể chính tham gia hội nhập là cộng đồng doanh nghiệp thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình và nền kinh tế của đất nước. Đất nước chỉ có khả năng cạnh tranh và hội nhập chỉ thành công khi cộng đồng doanh nghiệp mạnh và nền kinh tế mạnh. Triết lý kinh doanh là doanh nghiệp phải luôn cạnh tranh lành mạnh với nhau để luôn tạo ra những giá trị thật, giá trị tốt hơn cho khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình nhưng đồng thời cũng phải hợp tác, giúp đỡ nhau để hình thành một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mạnh và có đóng góp cho nền kinh tế mạnh lên thông qua hoạt động của doanh nghiệp mình.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
40294

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu