Thứ 6, 19/04/2024 05:40:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:42, 22/06/2016 GMT+7

Tiếng gọi từ thiên nhiên

Thứ 4, 22/06/2016 | 07:42:00 357 lượt xem
BP - Ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ động vật hoang dã đã trở nên cấp thiết khi diện tích đất rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp; biến đổi khí hậu đang làm cạn kiệt các dòng sông, suối trong nhiều cánh rừng, cộng với nhu cầu về ẩm thực, dược liệu, sinh vật từ các loài động vật tự nhiên.

Cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh lớn) và voọc chà vá được cứu hộ, chăm sóc tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập trước khi thả vào rừng (ảnh nhỏ) - Ảnh: H.CCứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh lớn) và voọc chà vá được cứu hộ, chăm sóc tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập trước khi thả vào rừng (ảnh nhỏ) - Ảnh: H.C

Với 26 ngàn ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bò tót, bò rừng, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, gấu... là những loài có trong Sách đỏ Việt Nam sinh sống. Thời gian qua, nạn săn bắt động vật hoang dã ở đây đang khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Đời sống của nhân dân vùng đệm còn nhiều khó khăn, tập quán sinh sống lại gắn liền với rừng. Ở khu vực giáp ranh vườn quốc gia có nhiều rẫy của người dân. Họ làm chòi, lán để bảo vệ tài sản của mình. Các đối tượng có thể ẩn nấp ở đó, theo đường mòn, đường tắt vào rừng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Trong khi đó, chế tài để xử lý săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã còn nhiều bất cập nên rất khó xử lý các đối tượng vi phạm”.

Do tập quán văn hóa của người Việt Nam còn coi động vật hoang dã như cây cỏ, nên tình trạng săn bắn, bẫy bắt và mua bán động vật hoang dã diễn ra phổ biến. Chúng ta phải tìm cách nào đó để thay đổi suy nghĩ này.

Ông NGUYỄN MẠNH HIỆP, chuyên viên Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam

Hầu hết người đi săn bắn thường dùng súng tự chế với đạn hoa cải nên tính sát thương rất cao, cùng một lúc có thể sát thương cả chục con thú... Nhờ những cuộc giải cứu kịp thời của cơ quan thẩm quyền, hàng trăm động vật hoang dã có cơ hội được trở lại với rừng xanh trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, phải mất vài tháng, thậm chí cả năm để những con vật được chăm sóc, điều trị vết thương và được huấn luyện trở về với môi trường tự nhiên vì bị thương nặng, bị nuôi nhốt quá lâu trong dân hoặc trong các chuồng trại.

Ông Trần Văn Trưởng, Trưởng phòng Cứu hộ,  bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Nhốt động vật hoang dã trong chuồng như bắt chúng “ở tù”, chúng tôi rất xót xa nhưng buộc phải làm vậy để cứu chữa, huấn luyện chúng trở lại với rừng xanh. Nếu tình trạng săn bắn, bẫy bắt tiếp tục diễn ra như hiện nay thì trong tương lai không xa, các loài động vật hoang dã sẽ dần cạn kiệt và chắc chắn môi trường sẽ bị thay đổi”.

Không riêng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, những cánh rừng đặc dụng ở Việt Nam nói chung, Đông Nam bộ nói riêng cũng luôn bị áp lực bởi tình trạng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã, nhất là khu vực giáp ranh... Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai từng là nơi có tê giác Java sinh sống, nay xác định đã tuyệt chủng. Hiện nỗi lo của Ban quản lý vườn là đàn bò tót khoảng 70-80 con cũng có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn trộm và mất môi trường sống. Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của vườn đang chăm sóc, cứu hộ nhiều loài linh trưởng để thả chúng về tự nhiên. Nơi đây cũng đang cứu hộ 35 con gấu, tập cho chúng cách sinh tồn trong môi trường hoang dã, sau đó thả về tự nhiên.  Số gấu này bị săn bắt, nuôi nhốt trái phép ở các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Thế Việt, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trong công tác cứu hộ, bảo tồn. Tuy nhiên, cũng như các nơi khác, trung tâm cứu hộ của vườn luôn trong tình trạng quá tải. Ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán động vật hoang dã”.

Bò rừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh lớn). Gấu được cứu hộ ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh nhỏ) - Ảnh tư liệuBò rừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh lớn). Gấu được cứu hộ ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh nhỏ) - Ảnh tư liệu

Theo Interpol Việt Nam, hằng năm ước tính nhu cầu tiêu thụ về động, thực vật hoang dã cho mục đích ẩm thực, dược liệu, sinh vật cảnh và xuất khẩu dao động trong khoảng 3.700-4.500 tấn. Khoảng 50% trong số này được tiêu thụ trong nước, còn lại xuất sang Trung Quốc và các nước châu Á. Hằng năm có tới 3.000 tấn động vật hoang dã, tương đương khoảng 600 ngàn cá thể bị mua bán tại Việt Nam. Điều đáng quan tâm là chỉ khoảng 5-10% số vụ được các cơ quan chức năng phát hiện.

Do cuộc sống quá khó khăn, người dân mới vào rừng để săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Tôi nghĩ họ cũng không muốn làm như vậy. Theo tôi, Việt Nam cần dành một nửa kinh phí cho công tác bảo tồn, một nửa để giúp đỡ người dân ở khu vực gần rừng trồng cà phê, cao su hay hồ tiêu. Làm được như vậy thì áp lực vào rừng sẽ giảm.

Tiến sĩ MARIA KENYON ANN, chuyên viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên

Đã có không ít cuộc họp bàn, hội thảo tìm cách ngăn ngừa tình trạng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã, nhất là các loài có nguy cơ tuyệt chủng, được tổ chức trên phạm vi cả nước trong thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách bảo vệ động vật hoang dã của ngành lâm nghiệp chưa phù hợp. Cụ thể như tang vật động vật hoang dã được định giá từ 100 triệu đồng trở lên thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, thực tế chưa có cơ quan nào định giá về các loài động vật hoang dã. Và có thể tang vật mà ngành chức năng thu được phải gồm rất nhiều cá thể động vật mới đạt mức trên 100 triệu đồng. Nếu không sửa đổi chính sách thì tình trạng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã vẫn còn tiếp diễn.

Đa số các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đều cho rằng: Việt Nam ngoài việc cần bổ sung, sửa đổi những chế tài về bảo vệ động vật hoang dã hiện hành, cần những biện pháp thiết thực nhất để cải thiện, nâng cao đời sống người dân ở gần rừng.

Rừng hôm nay đã không còn là nơi che chở của muông thú, là chốn cư trú bình yên của muôn loài. Động vật hoang dã đang bị đe dọa bởi bàn tay con người. Chủ đề Ngày môi trường thế giới năm 2016 là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng với các hệ sinh thái tự nhiên của trái đất. Hy vọng rằng, thông điệp này sẽ chạm tới trái tim và ý thức của mỗi người dân Việt Nam.

Lệ Quyên

  • Từ khóa
92974

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu