Thứ 5, 25/04/2024 23:07:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 06:40, 09/05/2019 GMT+7

Tiếng chuông chùa giữa biển khơi

Thứ 5, 09/05/2019 | 06:40:00 372 lượt xem
BP - Chùa là công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng. Chùa còn là nơi tập trung của các sư, tăng, ni sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật. Tại nơi này, mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ tôn giáo. Đã từ bao đời nay, trong tâm thức của người Việt Nam, chùa là nơi tĩnh lặng, linh thiêng, nơi mọi người đến nương nhờ đức Phật để tìm sự bình an trong cuộc sống, cầu xin hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, ngôi chùa còn là hình ảnh thân thương rất quen thuộc, gần gũi với nếp sống hiền hòa của những người dân quê mộc mạc. Câu nói: “Đất vua, chùa làng” đã cho ta thấy cái giá trị tín ngưỡng thiêng liêng trong đời sống của người dân Việt từ bao đời nay. Vì chùa là mái ấm che chở, ấp ủ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ. Họ xem ngôi chùa như mái ấm gia đình chung. Bởi đó là công trình do họ cùng nhau đóng góp xây dựng, bảo vệ và phát huy. Vậy nên dù đã trải qua mấy ngàn năm thăng trầm, nhưng hình ảnh của ngôi chùa vẫn mãi mãi hiên ngang hiện hữu trong lòng người dân Việt. Bên cạnh đó, mái chùa là niềm an ủi xoa dịu những nỗi buồn u uất đè nặng trong tâm hồn của họ. Đồng thời, ngôi chùa còn là nơi nuôi dưỡng đời sống tâm linh và xây dựng nếp sống hiền hòa cao đẹp theo chiều hướng thánh thiện. Và nó còn đáp ứng những nhu cầu tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của cộng đồng.

Chùa Trường Sa Lớn được xây dựng trên khuôn viên khá rộng tại trung tâm thị trấn Trường Sa. Trong ảnh: Tam quan chùa được xây dựng bằng bê tông cốt thép, nhưng vẫn mang lối kiến trúc truyền thống.

Có lẽ vì thế không quốc gia nào lại có nhiều chùa như ở Việt Nam. Khắp nơi trên dải đất hình chữ S, từ thành thị đến vùng rừng núi xa đều có chùa. Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện cả nước có tới 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc ở Việt Nam. Và trong tổng ngôi chùa trên khắp đất nước, có 6 ngôi chùa đứng giữa muôn trùng sóng gió ở biển Đông. Đó là chùa Trường Sa Lớn, chùa Sinh Tồn, chùa Song Tử Tây, chùa Đá Tây trên đảo Đá Tây, chùa Linh Sơn trên đảo Sơn Ca và chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh 248 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý. Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi đá san hô lập lờ hoặc nhô lên khỏi mặt nước, khi thủy triều xuống thấp, bao bọc một vùng biển rộng ước chừng 160-180 ngàn km2. Trên quần đảo có các đơn vị quân đội đóng quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và những nhân viên khí tượng, nuôi trồng thủy sản, ngư dân đánh cá sinh sống.

Trong suốt 35 năm gắn bó với nghề làm báo, mặc dù đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến công tác cả ở trong và ngoài nước, nhưng những trải nghiệm trong chuyến hải trình 10 ngày ra thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, làm việc trên quần đảo Trường Sa là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời mà tôi không thể nào quên. Nơi chúng tôi đến đầu tiên trong chuyến đi là đảo Song Tử Tây, vào lúc mặt trời vừa nhô lên đầu những con sóng. Hòa trong hương vị mặn mà gió biển, tôi thoáng nghe mùi hương trầm lan tỏa giữa trùng khơi bao la. Lẫn trong tiếng sóng biển rì rào là tiếng chuông chùa dịu vợi. Tôi chợt nhận ra rằng, ở Trường Sa hôm nay không chỉ có bão giông, sóng dữ, mà còn có bạt ngàn cây xanh, cùng tiếng cười của trẻ nhỏ và cả tiếng chuông chùa làm lòng người dâng trào bao điều trắc ẩn...

Tọa lạc trên hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây có quy mô hoành tráng cùng cảnh quan thoáng đãng, trong lành. Chùa Song Tử Tây được xây dựng ở ngay đầu phía Tây của đảo theo phong cách truyền thống, có tam quan 3 tầng 14 mái. Chính điện được xây dựng theo kiểu kiến trúc 3 gian 2 chái và 2 bên là 2 nhà tả hữu vu. Phía hữu vu còn có căn nhà tứ giác cao 2 tầng là nơi treo chiếc đại hồng chung (chuông). Ngay đầu nhà tả vu là tượng Phật bà Quan Thế Âm bằng đá trắng. Trong vườn chùa trồng nhiều loại cây đặc trưng của Trường Sa như cây phong ba, cây bàng vuông, phi lao và muống biển. Chùa Song Tử Tây hợp với ngọn hải đăng ngay phía sau và Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, dân sinh, tâm linh và lịch sử, tiêu biểu, thuần túy Việt Nam trên biển Đông.

Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu đất ngay trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa Lớn. Mặt tiền của chùa nhìn ra sân bay và khu quảng trường của thị trấn Trường Sa. Chùa có tam quan được xây dựng bằng bê tông, cốt thép và cao 2 tầng rất uy nghi; khuôn viên khá thoáng rộng. Trong sân chùa có một cây đa khá lớn và phủ tán che gần hết sân chùa. Qua sân chùa và vườn chùa là du khách bước vào tòa chính điện đươc xây dựng theo lối kiến trúc một gian hai chái, mái cong, có đầu đao. Phật điện được trần thiết uy nghi với những pho tượng chế tác công phu bằng đá quý, gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar, là món quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại nhà chùa. Cửa võng, hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng; viết bằng chữ quốc ngữ. Chùa Trường Sa Lớn cùng với Nhà tưởng niệm Bác Hồ và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đảo Trường Sa tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là nơi mà bất cứ ai đến với Trường Sa không thể không vào thăm, thắp nén hương để nghe lòng thanh tịnh và thấy ấm áp một niềm tin vô cùng thiêng liêng.

Một trong những nét chung dễ nhận biết nhất đối với các ngôi chùa ở Trường Sa là hoành phi, câu đối đều được sơn son, thếp vàng và viết bằng chữ quốc ngữ. Trong ảnh là các câu đối, hoành phi ở gian chính điện chùa Song Tử Tây.

So với chùa Song Tử Tây và chùa Trường Sa Lớn, các chùa Sinh Tồn, Đá Tây, chùa Linh Sơn và chùa chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết được xây dựng nhỏ hơn. Tuy nhiên, các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa đều có những nét đặc trưng chung là hướng mặt chính diện ra phía biển Đông, đối diện với biển cả, che chắn bão giông để con người được yên bình trước bao nhiêu ẩn họa. Đồng thời, chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, 1 gian 2 chái, hay 3 gian 2 chái, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Thứ hai là tất cả hoành phi, câu đối trong những ngôi chùa ở Trường Sa đều viết bằng chữ quốc ngữ. Thứ ba là bên cạnh dáng cây đa, cây bồ đề mang cốt cách chùa quê Việt Nam, những ngôi chùa ở Trường Sa còn có thêm bóng mát của những cây phong ba, cây bàng vuông cổ thụ xòe tán che chở. Thứ tư là trong các ngôi chùa ở Trường Sa đều có ban thờ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc. Hằng năm, những ngôi chùa ở Trường Sa đều tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.

Đứng trước biển cả mênh mông, chỉ có những ai tâm thật tịnh mới cảm nhận hết được sự linh thiêng của đất trời, biển đảo ở Trường Sa. Và khi ấy, dù giữa tứ bề sóng gió, giữa bao nhiêu khắc nghiệt của thiên nhiên cùng những bất trắc tiềm ẩn và dù bị pha trộn trong tiếng sóng, tiếng gió của biển nhưng tiếng chuông từ những ngôi chùa ở Trường Sa không bao giờ bị lấn át. Bởi đó là tiếng chuông khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam và rằng, Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của hình hài Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa! Cùng với đó, những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo, mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống bình yên, an lạc nơi đầu sóng ngọn gió trước mọi hiểm họa của thiên nhiên và của con người từ tứ phía...

N.V

  • Từ khóa
111396

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu