Thứ 6, 29/03/2024 13:36:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:32, 25/09/2019 GMT+7

Tiên phong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo

Thứ 4, 25/09/2019 | 06:32:00 491 lượt xem
BP - Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục, từ đầu năm học 2018-2019 Trường THCS Nguyễn Du (Phú Riềng) đã mạnh dạn đi đầu thực hiện đổi mới hoạt động dạy và học. Qua đó, trường đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, được phụ huynh và học sinh ghi nhận, lãnh đạo các cấp đánh giá cao.

Thầy Phạm Văn Tuyến, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Cuối năm học 2018-2019, trường vinh dự được đón đoàn công tác của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT về kiểm tra hoạt động chuyên môn. Trong đó, tập trung 2 nội dung chính là thực hiện việc hướng dẫn thực hiện phân phối chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ GD-ĐT về ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, trường được bộ và Sở GD-ĐT đánh giá cao, xem là mô hình điểm cần nhân rộng toàn tỉnh”.

ĐỔI MỚI NỘI DUNG DẠY HỌC...

Hướng tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (đối với bậc THCS thực hiện từ năm học 2021-2022), Trường THCS Nguyễn Du đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm; đồng thời chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn, nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, các tổ chức đoàn thể, gia đình, cộng đồng trong việc phối hợp giáo dục toàn diện học sinh. Từ đầu năm học 2018-2019, trường tổ chức cho tập thể hội đồng sư phạm rà soát, tinh giản nội dung giảng dạy phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của chương trình các môn học. Giáo viên, tổ chuyên môn soạn, thiết kế lại các tiết học theo từng chủ đề, chủ điểm nhằm giúp người học hoạt động tích cực, sáng tạo, tự chiếm lĩnh kiến thức và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Nội dung các chuyên đề được lồng ghép giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật.

Học sinh lớp 9A8 trong giờ học môn Vật lý

Cô Phạm Thị Anh Thu, Tổ trưởng Tổ Sinh - Công nghệ cho biết: Để chuẩn bị tốt việc thay sách của Bộ GD-ĐT, theo chỉ đạo của trường, từ đầu năm học 2018-2019, tổ rà soát, nghiên cứu, sắp xếp lại nội dung chương trình theo từng chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa bàn và trường. Nội dung chương trình sách giáo khoa cũ có những tiết học lượng kiến thức khó, dài, liên quan đến chuỗi kiến thức khác không thể chuyển tải hết trong 45 phút mà cần đến 70 phút, thậm chí 90 phút. Ngược lại, cũng có những bài học ngắn, dễ, không thật sự cần thiết, chỉ cần lượng thời gian khoảng 20 phút là giải quyết xong vấn đề. Từ thực tế bất cập đó, tổ phân công từng giáo viên/khối lớp thiết kế, soạn lại thành các chuyên đề, những vấn đề khó, cần làm rõ thì khai thác, phân tích sâu; còn những vấn đề dễ, không cần thiết thì lướt qua. Thời lượng, số tiết dạy không thay đổi, không cắt xén chương trình mà chỉ tinh giản, sắp xếp lại cho phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng, làm sao để học sinh nắm được vấn đề trọng tâm môn học. Nội dung các chuyên đề, ngoài lượng kiến thức môn học được biên soạn theo hệ thống, logic thì giáo viên còn linh hoạt lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống, hiểu biết xã hội cho các em. Cuối mỗi chuyên đề đều có tiết luyện tập, ôn tập và giải đáp những thắc mắc của học sinh. Sau khi thiết kế, soạn lại thành các chuyên đề, tổ chuyên môn tổ chức thao giảng, dự giờ, góp ý rút kinh nghiệm, trong đó tổ trưởng chuyên môn thực hiện mẫu. Các chuyên đề đưa vào giảng dạy đại trà phải được các thành viên trong tổ họp bàn, thống nhất thông qua và được trường phê duyệt.

“Việc thiết kế lại bài giảng tốn rất nhiều thời gian, công sức, vì là mới, không có bài soạn mẫu, không cơ sở dữ liệu để khai thác, tìm hiểu; mặt khác, chuyên đề không sử dụng chung toàn ngành, toàn  ỉnh mà phải phù hợp với vùng, miền, cơ sở giáo dục. Các giáo viên quen với giáo án, bài giảng truyền thống, nay phải thay đổi hoàn toàn khiến họ ái ngại. Tuy nhiên, sau 1 học kỳ sắp xếp, biên soạn và qua 1 học kỳ tổ chức dạy học theo nội dung, phương pháp mới thì hiệu quả học tập của học sinh cao hơn rất nhiều so với trước. Phần lớn học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm môn học, tinh thần học tập hứng thú, say sưa hơn; đặc biệt, các em biết ứng dụng nội dung bài học vào thực tiễn cuộc sống” - cô Thu nói.

ĐẾN ĐỔI MỚI KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, Trường THCS Nguyễn Du còn đi đầu đổi mới trong kiểm tra, đánh giá một cách mạnh mẽ và đồng bộ. Hiệu phó Phạm Văn Tuyến cho rằng, muốn có chất lượng thật thì phải học thực chất, thi thực chất. Trong 2 năm học gần đây, trường chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh tại các kỳ thi, nhất là việc ra “đề mở” môn Ngữ văn nhằm đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Thay vì thực hiện các bài kiểm tra truyền thống như vấn đáp bài cũ, 15 phút và kiểm tra 45 phút đối với một số môn học thì các giáo viên có thể đa dạng hình thức đánh giá học sinh, như qua hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, vở ghi, qua việc báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình... qua đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Trường xây dựng đề kiểm tra 1 tiết, cuối kỳ, cuối năm học theo ma trận và viết câu hỏi theo ma trận đề. Đề kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các đề kiểm tra có sự kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan; giữa lý thuyết với thực hành; đồng thời nâng cao yêu cầu kiến thức liên môn vào thực tiễn. Đối với các môn khoa học xã hội, chú trọng câu hỏi mở gắn với thông tin thời sự, quê hương, đất nước để học sinh thể hiện chính kiến về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội thay vì phải học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc. Đối với môn Tiếng Anh đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó đưa kiểm tra kỹ năng nghe là kỹ năng bắt buộc trong các bài kiểm tra định kỳ, học kỳ ở các lớp 6, 7, 8, 9 và thi đầu vào lớp 10.

Từ năm học 2018-2019, trường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, dạy - học. Tại các phòng học, trường mua sắm và thay toàn bộ đèn chiếu bằng màn hình tivi; khai thác và sử dụng hiệu quả bảng tương tác thông minh với 1 bảng nhưng trong 2 năm học đã khai thác trên 600 giờ. Tại 20 phòng học và các “điểm nóng”, trường đều gắn camera nhằm hỗ trợ kiểm tra, giám sát, điều hành các hoạt động của trường và hỗ trợ đảm bảo an ninh, an toàn trường học. Trang web của trường hoạt động hiệu quả với hơn 1 triệu lượt học sinh, phụ huynh, giáo viên truy cập.

CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TĂNG CAO

Mạnh dạn tiên phong trong đổi mới nội dung dạy - học và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục năm học 2018-2019 của Trường THCS Nguyễn Du cao hơn hẳn so với các năm học trước. Kết thúc năm học có 1.406/1.500 học sinh được lên lớp thẳng và lên lớp sau thi lại, chiếm 93,73%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 97,55%. Đây là kết quả thực, không chạy đua thành tích, vừa đảm bảo kế hoạch đề ra vừa đảm bảo quy định của trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục. Có 53 em đạt học sinh giỏi cấp trường, 43 em giỏi cấp huyện và 19 em giỏi cấp tỉnh. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020, trường có điểm bình quân 3 môn thi cao hơn 1 điểm so với năm học trước. Có 23 em đậu Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài), tăng 1 em so với năm học trước, trong đó em Trương Ngọc Ánh đậu thủ khoa lớp chuyên Văn với tổng 44,25 điểm. 3 năm học liên tiếp, trường nhất toàn đoàn hội khỏe Phù Đổng cấp huyện và được lựa chọn làm nòng cốt dự thi cấp tỉnh. Toàn trường có 31 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 20 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, 7 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện. Trước đó, năm học 2017-2018, trường có 5 giáo viên công nhận dạy giỏi cấp tỉnh và là đơn vị dẫn đầu huyện tại hội thi này.

 Vũ Thuyên

  • Từ khóa
88941

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu