Thứ 6, 29/03/2024 17:33:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:45, 21/07/2014 GMT+7

Tiền điện tăng “khủng”

Thứ 2, 21/07/2014 | 14:45:00 37 lượt xem
BP - Theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, từ ngày 1-6-2014, giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ còn 6 bậc thay vì 7 bậc như trước đây. Cụ thể, gộp 2 bậc 3-4 thành 1 bậc (bậc 3 có hệ số từ 101-200kWh) của Quyết định số 268/QĐ-TTg, ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ. 6 bậc giá điện gồm: Từ 0-50kWh; từ 51-100kWh; từ 101-200kWh; từ 201-300kWh; từ 301-400kWh và từ 401kWh trở lên. Trong đó, bậc từ 0-50kWh được áp dụng cho các hộ thu nhập thấp có đăng ký với bên bán điện, mức giá bán lẻ tương đương giá thành điện bình quân. Thế nhưng, nhiều hộ dân dùng điện đã than vãn vì phải trả tiền điện cao gấp 2-3 lần so trước.

Vì giá điện tăng đột biến nên người dân thường xuyên kiểm tra công tơ điện

 
Anh T.T.H ở khu phố Phú Cường, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) cho biết: “Năm 2013, gia đình anh chỉ trả tiền điện khoảng 150 ngàn đồng/tháng. Thế nhưng, trong tháng 6-2014 phải trả 986 ngàn 27 đồng, trong khi mọi thiết bị tiêu thụ điện vẫn như trước”. Anh H khẳng định: “Gia đình tôi chỉ sử dụng điện sinh hoạt, không phục vụ bơm tưới cây hay kinh doanh nào khác. Điện thắp sáng cũng sử dụng bình thường nhưng so tiền điện hàng tháng của năm 2013 thì con số phải trả tăng hơn 6,5 lần”.
Theo Quyết định số 4887/QĐ-BCT, ngày 30-5-2014 của Bộ Công thương về quy định giá bán điện thì giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 1-6-2014 theo các bậc như sau: Bậc 1 từ 0-50kWh là 1.388 đồng; bậc 2 từ 51-100kWh là 1.433 đồng; bậc 3 từ 10-200kWh là 1.660 đồng; bậc 4 từ 201-300kWh là 2.082 đồng; bậc 5 từ 301-400kWh là 2.324 đồng và bậc 6 từ 401kWh trở lên là 2.399 đồng.
 
Trong khi đó, giá điện cũ được Bộ Công thương quy định theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT, ngày 31-7-2013, biểu giá áp dụng kể từ ngày 1-8-2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Trước đây gia đình anh H phải đến Chi nhánh điện lực thị xã Đồng Xoài trả tiền điện hàng tháng. Đầu năm 2014, anh H đăng ký với Vietinbank chi nhánh Bình Phước trả tiền điện qua tài khoản. Tháng 2-2014, Vietinbank trừ trong tài khoản của anh H 239 ngàn 837 đồng để thanh toán tiền điện với Chi nhánh điện lực thị xã Đồng Xoài. So những tháng trong năm 2013 thì số tiền điện nhà anh H đã tăng gần 90 ngàn đồng. Song, do thời điểm này ở Bình Phước đang là mùa khô, anh H nghĩ gia đình sử dụng nhiều nên không quan tâm. Thế nhưng, tháng 3-2014, số tiền điện gia đình anh H phải trả là 62 ngàn 392 đồng, số tiền này chỉ tương đương lượng điện dùng để thắp sáng. Thấy bất thường vì trong tháng 3 không thấy nhân viên điện lực đến ghi số điện trên công tơ, anh H gọi điện đến bộ phận ghi số điện thì được nghe lời xin lỗi vì người ghi điện bị điều chuyển đi nơi khác. Phía người nghe máy cũng “mong” gia đình bỏ qua không khiếu nại đến chi nhánh. Anh H cho rằng, việc ghi thấp số kWh điện của tháng này là chiêu bài của ngành điện nhằm tăng hệ số và tiền thu vào tháng sau. Anh H nhẩm tính: “Nếu tháng này gia đình tôi tiêu thụ hết 250kWh nhưng điện lực chỉ tính tiền 50kWh. Vậy số dư 200kWh còn lại bị treo nợ và tính vào tháng sau, nâng tổng số tiêu thụ điện của gia đình lên 450kWh. Trong khi ở bậc 250kWh giá phải trả là 2.210 đồng/kWh khác hoàn toàn so mức giá của 450kWh là 2.420 đồng/kWh. Thiệt hại vẫn thuộc về người sử dụng.

Sự nghi ngờ của anh H hoàn toàn có cơ sở, bởi ngay trong tháng 4, tiền điện của gia đình anh phải trả là 613 ngàn 696 đồng, tăng hơn 2,5 lần so tiền điện tháng 2-2014. Đến tháng 5, tiền điện nhà anh H phải trả là 595 ngàn 280 đồng, qua tháng 6 là 986 ngàn 027 đồng. Khi thấy Vietinbank gửi tin nhắn thì cả gia đình anh H ai nấy đều phát hoảng, không hiểu sao tiền điện lại tăng đột biến đến vậy? Trao đổi với một cán bộ ghi số điện, anh H chỉ nhận được lời giải thích: “Gia đình dùng bao nhiêu thì chi phí bấy nhiêu, tất cả đều thể hiện trên đồng hồ?”.

Nhiều hộ dân cho rằng, có khả năng do gia chủ đi làm cả ngày, nhân viên ghi số điện thường đến không chốt được số trên công tơ điện sử dụng của khách hàng dẫn tới có sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này có thể không chính xác về đơn giá cũng như khối lượng sử dụng. Hoặc tháng này có thể tăng cao nhưng tháng sau thấp đi, vì bao giờ ngành điện cũng phải tính số lượng tiêu thụ qua công tơ điện. Dù được giải thích, trấn an nhưng gia đình anh H vẫn không yên tâm, bởi giá điện tính lũy tiến. Và trong thực tế dùng điện của gia đình, anh H chưa thấy ngành điện tính trừ phần dư sang tháng sau bao giờ. Trong khi đó, tháng 5 và tháng 6 ở Bình Phước đã vào mùa mưa nên việc sử dụng một số thiết bị điện sẽ hạn chế. Vậy nguyên nhân nào để giá điện tăng đột biến như trên? Hiện anh H đang đợi kết quả tiêu thụ và số tiền được tính trong tháng 7 để có ý kiến với ngành điện.

Nhóm PV KT

  • Từ khóa
49491

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu