Thứ 6, 29/03/2024 04:28:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:47, 28/05/2019 GMT+7

Tiềm năng biển, đảo đất Mũi Cà Mau

Thứ 3, 28/05/2019 | 15:47:00 2,002 lượt xem
BP - Cà Mau là vùng đất cuối cùng cực Nam của Tổ quốc. Nơi đây có cột mốc tọa độ quốc gia Mũi Cà Mau, là vùng đất có ý nghĩa thiêng liêng không chỉ riêng với Cà Mau mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến điểm tận cùng của đất nước. Chuyến tham quan Cà Mau của đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bình Phước thời gian tuy ngắn nhưng cũng để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc về vùng đất mà nhà văn Nguyễn Tuân đã ví như “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Về Cà Mau, chúng ta cảm nhận rõ hơn những câu thơ mà Xuân Diệu đã viết: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền xé sóng, mũi Cà Mau”.

TIỀM NĂNG BIỂN, ĐẢO

Cà Mau có bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước; là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển chạy từ phía biển Đông sang vịnh Thái Lan. Diện tích vùng biển Cà Mau trên 70.000km2, với độ sâu trung bình từ 30-40m, nơi sâu nhất 80m; trong lòng biển có nhiều loài tôm cá, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn. Biển Cà Mau ít chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên tàu thuyền có thể hoạt động quanh năm trên biển, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Cà Mau hiện có 9 đơn vị hành chính, gồm 8 huyện và 1 thành phố, trong đó có 6 huyện ven biển với 23/101 xã, thị trấn tiếp giáp biển.

Biểu tượng Mũi Cà Mau, điểm tận cùng của Tổ quốc

Vùng biển Cà Mau có 3 cụm đảo với nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch. Đó là: Cụm đảo Hòn Khoai gồm 5 đảo gần nhau là: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Khô và Hòn Đá Lẻ, tổng diện tích khoảng 577 ha. Hòn Khoai là đảo có diện tích lớn nhất với 410 ha, độ cao so mặt biển khoảng 318m. Trong cụm đảo Hòn Khoai có Hòn Đá Lẻ là nơi đặt điểm A2, là tọa độ cột mốc để xác định đường cơ sở trên biển của nước ta. Trên điểm cao nhất của đảo Hòn Khoai còn có ngọn hải đăng được Pháp xây dựng cách đây 117 năm. Tiếp đến là cụm đảo Hòn Chuối gồm Hòn Chuối và Hòn Hàn nằm phía biển Tây, 2 đảo này cách nhau khoảng 2 hải lý. Cụm đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cách bờ khoảng 17 hải lý, độ cao 165m so với mực nước biển, nơi đây hiện có 38 hộ dân sinh sống. Và cụm đảo Hòn Đá Bạc gồm 3 đảo liền kề sát bờ biển, có tổng diện tích khoảng 14,5 ha. Đây là một cụm đảo khá đẹp, với nhiều nét hoang sơ, kỳ thú chưa được con người khám phá.

KHU RAMSAR THẾ GIỚI

Ven biển Cà Mau có vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau, là nơi có tầm quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Ngày 26-5-2009, Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 13-12-2012, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cà Mau không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn tạo môi trường sinh thái trong lành, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, tham quan và nghiên cứu khoa học.

Rừng ngập nước Cà Mau có hệ sinh thái với đặc trưng là cây đước và cây mắm. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh trên đất mới bồi, tạo nên bãi sinh đẻ và nuôi dưỡng con non của các loài thủy, hải sản trong khu vực. Ngoài ra, nơi đây còn bảo tồn rừng đước nguyên sinh, hệ động - thực vật đa dạng phong phú với nhiều loại chim, thú quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ thế giới như: khỉ đuôi dài, cà khu, cò chân xám, bồ nông, giang sen, quắm trắng... Các loài bò sát như: kỳ đà hoa, trăn mốc, trăn gấm, rắn lục... Dưới nước là cả một quần thể các loài thủy sinh phong phú và nhiều loài tôm, cá. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là lá phổi xanh của tỉnh, nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa giữa rừng, sông nước với biển cả. Hệ thống kênh rạch chằng chịt len lỏi trong rừng, khí hậu trong lành tạo nên khung cảnh thiên nhiên đặc thù, thích hợp cho khách du lịch.

Ngồi trên xuồng máy đuôi tôm, dọc theo những con kênh xuyên rừng, cảm giác thật tuyệt vời. Màu trời, màu nước, màu rừng từ cây mắm, cây đước cứ điệp trùng, bạt ngàn tiếp nối nhau trải theo dặm dài vùng đất Mũi Cà Mau. Anh bạn đồng nghiệp phóng viên Báo Cà Mau dẫn đường cho đoàn chúng tôi nói rằng, ở Cà Mau “mắm đi trước, đước theo sau” trên hành trình lấn biển. Đước và mắm là 2 loại cây lạ lùng, đầy cá tính như những người con đất Mũi hiền hòa nhưng kiên cường bám trụ giữa sóng gió biển khơi để canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn 300 năm trước, ông cha ta đã băng rừng, vượt biển mở mang bờ cõi. Từ một tên đất chỉ được gọi và gợi nhớ trong ký ức của mỗi người, nay vùng đất mũi Cà Mau mang trong mình hơi thở của sức trẻ đang vươn lên căng tràn nhựa sống. (*) 

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo từ nguồn camau.gov.vn

  • Từ khóa
111401

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu