Thứ 7, 20/04/2024 08:20:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 14/05/2019 GMT+7

Tích cực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 14/05/2019 | 08:51:00 107 lượt xem

BP - Dù các cấp, ngành trong tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai và nhân dân tích cực thực hiện công tác phòng, chống, nhưng ngày 8-5-2019, một ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được phát hiện tại hộ ông Nguyễn Đức Nhân, ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú. Chỉ 1 ngày sau, tại ấp 8, xã Tân Lập (Đồng Phú) tiếp tục phát hiện thêm 2 ổ dịch ở 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là hộ ông Lê Văn Duẩn và hộ ông Nguyễn Tuấn Biết. Cũng trong ngày 10-5, ở thành phố Đồng Xoài xuất hiện dịch tại khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú.

Ngày 10-5, UBND huyện Đồng Phú ban hành Quyết định số 1211/QĐ-UBND xác định vùng uy hiếp nằm trong bán kính 3km gồm 3 xã Tân Tiến, Tân Hòa, Tân Lợi và vùng giám sát là các xã còn lại trên địa bàn huyện. Ngay sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với DTLCP, các cơ quan chức năng đã tiêu hủy đàn lợn tại các hộ ở huyện Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài; tổ chức tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp khống chế... Những việc làm này là cần thiết, đúng kịch bản hành động ứng phó khẩn cấp với DTLCP mà UBND tỉnh đã ban hành.

Toàn tỉnh hiện có 251 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó 126 trang trại chăn nuôi gia công, 98 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê, 27 trang trại chủ đầu tư tự nuôi, với tổng đàn gần 740.000 con. Ngay sau khi ở nước ta phát hiện DTLCP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, nhất là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP diễn ra sáng 12-3 vừa qua, nguy cơ DTLCP từ nước ngoài, các tỉnh đang có dịch xâm nhiễm vào Bình Phước thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao. Với trên 130.000 con lợn nuôi nhỏ lẻ, đan xen trong các khu dân cư, không thường xuyên vệ sinh phòng bệnh, sử dụng thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn cho lợn ăn ngay mà không qua xử lý nhiệt, dẫn tới mầm bệnh sẽ phát tán nhanh... Đây cũng là minh chứng cho ổ dịch tại hộ ông Nguyễn Đức Nhân ở thị trấn Tân Phú khi hộ này thừa nhận thường gom thức ăn dư từ các hộ buôn bán bún, phở trên địa bàn khu phố Tân Liên làm thực phẩm nuôi lợn. Đồng thời, thời tiết, khí hậu biến đổi bất lợi trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Trước tình hình thế giới chưa có vắc-xin và thuốc điều trị DTLCP, giải pháp phòng bệnh vẫn là chính. Và 4 ngày qua, sau khi có thông tin dịch xuất hiện tại huyện Đồng Phú, theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Phước, nhiều hộ, trang trại chăn nuôi ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chủ động mua vôi bột, thuốc sát trùng khử khuẩn chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi... Điều đó cho thấy, ý thức của người chăn nuôi và các chủ trang trại đã được nâng lên.

Bên cạnh thực hiện các giải pháp thích ứng với dịch đã xảy ra trên địa bàn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, ngành trong chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch trên đàn lợn, thống kê tổng đàn nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Điều quan trọng nữa là cần khuyến cáo người dân không chủ quan, giấu dịch, vứt xác lợn bị mắc bệnh ở nơi có dịch ra sông, suối, mương... tránh để dịch lây lan diện rộng. Do DTLCP không lây nhiễm sang người nên hộ, chủ trang trại chăn nuôi và người tiêu dùng trong tỉnh hết sức bình tĩnh, không nên hoang mang, không tẩy chay thịt lợn để việc chống dịch đạt hiệu quả nhất.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu