Thứ 6, 29/03/2024 16:28:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:42, 18/02/2015 GMT+7

Thương quá điều ơi!

Thứ 4, 18/02/2015 | 15:42:00 2,316 lượt xem
BP - Tôi không có ý định “ăn theo” cái phóng sự cùng tên từng đoạt giải báo chí toàn quốc năm 2013 của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, nhưng quả tình không thể tìm được cái tít nào khác bởi những cảm nhận đặc biệt của tôi về cây điều Bình Phước.

Điều tôi ghi nhận đầu tiên trong những ngày mới đến Bình Phước là dường như ở đâu, nhà nào cũng trồng điều. Nhiều thì vài chục héc ta, ít thì vài sào. Những gia đình bám mặt đường để làm dịch vụ thì trồng vài cây trước nhà để chắn bụi. Giáp tết, những trái điều đầu mùa chín rụng, mấy đứa trẻ đen nhẻm sống cùng dãy nhà trọ với tôi lúi húi lượm hạt để nướng. Lần đầu tiên nhấm nháp nhân hạt điều nướng cùng lũ trẻ, tôi nhớ mãi cái vị  béo, ngọt cùng mùi thơm không thể lẫn vào đâu được và tự hỏi: Có phải vì bươn ra ngoài quả, trực tiếp với nắng, với gió mà nhân điều có được mùi vị đặc biệt ấy? Mai này, những đứa trẻ kia lớn lên, dù lập thân, lập nghiệp ở một vùng quê xa lắc xa lơ nào đó, cái để chúng nhớ về quê hương Bình Phước hẳn sẽ là mùi vị đặc trưng của những hạt điều nướng mà chúng thường chụm đầu cùng ăn với nhau trong những ngày giáp tết!



 

Những năm 1997-1998 là thời kỳ hạt điều xuống giá thê thảm nhất. Những vườn điều vốn đã xác xơ vì khô hạn càng xơ xác hơn vì bị người dân bỏ hoang phế. Trong các khu vườn, tiếng cưa máy rú rít suốt ngày để đốn hạ điều. Trên những gốc cây sần sùi vừa được hạ, nhựa điều màu nâu sẫm chảy thành dòng như máu ứa! Dọc các tuyến QL13, QL14, đường ĐT741, củi điều chất thành núi. Những gia đình có điều kiện thì thay thế bằng cây tiêu, cao su hoặc cà phê, cây ăn trái. Những hộ không có điều kiện thì cứ bỏ mặc vườn điều cho cỏ mọc và sâu bệnh. Và trong những ngày tháng khó khăn nhất của người trồng điều, tôi đã ngộ ra rằng cây điều có vị trí vô cùng đặc biệt trong lòng người Xêtiêng. Trong tiềm thức của đồng bào, cây điều được sinh ra là để giúp người nghèo chống đói. Không cần chăm sóc, cứ mùa mưa, cuốc lỗ thả hạt điều xuống, tự nó sẽ vươn lên tìm lấy thức ăn trong lòng đất, cây lớn dần rồi cho quả, cho hạt. Được mùa, được giá thì đời sống của đồng bào lên hương. Thất mùa, rớt giá thì đành chịu đói. Với đồng bào, cây điều là bạn, là nguồn sống chính của mỗi gia đình nên dù có già cỗi cũng không thể từ bỏ nó!

Cùng với chiến lược quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu điều trên phạm vi cả nước, từ những năm cuối thế kỷ XX, Bình Phước đã quy hoạch lại vùng chuyên canh cây điều, tập trung chủ yếu ở hai huyện Bù Đăng và Phước Long, đồng thời xác định cây điều là loại cây chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Hàng loạt chính sách ưu tiên đối với cây điều đã được chính quyền tỉnh áp dụng như: hỗ trợ cải tạo vườn điều trên địa bàn huyện Phước Long, Bù Đăng; cung cấp giống điều cao sản miễn phí cho hộ nghèo và đồng bào DTTS trong toàn tỉnh; cho vay ưu đãi đối với các hộ có dự án trồng, cải tạo vườn điều hoặc mở xưởng chế biến hạt điều... Từ thời điểm ấy, với người dân Bình Phước, cây điều không còn là cây xóa đói giảm nghèo như trước mà đã trở thành loại cây làm giàu, mang lại giá trị kinh tế lớn cho tỉnh.

Sự tác động từ các chính sách hỗ trợ, ưu tiên của tỉnh đối với cây điều và các sản phẩm được làm ra từ hạt điều đã làm thay đổi hàng loạt vấn đề, từ nhận thức của các cấp chính quyền và người dân đối với cây điều đến cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế của tỉnh và làm thay đổi cả diện mạo nông thôn Bình Phước. Từ chỗ năng suất bình quân chỉ đạt 4-5 tạ/ha vào những năm 2000, đến nay năng suất điều đã đạt bình quân 1,2-1,5 tấn/ha. Cá biệt có những trang trại đạt 2,5-3 tấn/ha. Nhiều chủ trang trại không chỉ quan tâm mở rộng diện tích mà còn đầu tư thâm canh để tăng năng suất và nâng cao chất lượng hạt điều.

Cùng với sự “chuyển mình” của người trồng điều, các nhà khoa học cũng đã “để mắt” nhiều hơn đến loại cây đặc biệt này. Nhiều đề tài khoa học liên quan đến cây điều như: trồng xen ca cao trong vườn điều; nghiên cứu các loài sâu, bệnh hại điều; sản xuất ván sàn từ gỗ điều... đã mở ra tương lai tươi sáng cho ngành điều. Không chỉ trên địa bàn hai huyện trọng điểm trồng điều mà ở tất cả các huyện, thị, hàng loạt cơ sở chế biến hạt điều mọc lên, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động mỗi năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và góp phần tích cực, hiệu quả vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Từ chỗ lưa thưa vài doanh nghiệp, sản xuất chưa đầy 4.500 tấn hạt điều nhân trong năm 2000 và chỉ tiêu thụ trong nước, đến nay toàn tỉnh đã có 210 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều, trong đó 40 doanh nghiệp có công suất chế biến trên 5.000 tấn/năm.

Sau Festival Điều năm 2010, hạt điều Bình Phước đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, chinh phục các thị trường lớn trên thế giới. Sự góp mặt của hạt điều Bình Phước đã góp phần đưa sản phẩm điều Việt Nam đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Và thật tự hào khi liên tiếp trong 3 năm (2006, 2007, 2008), Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới. Người tiêu dùng sành điệu khi mua điều Việt Nam là phải chọn đúng điều Bình Phước! Trên chặng đường gian nan đi tìm thương hiệu ấy, người trồng điều Bình Phước thực sự biết ơn những con người đã một lòng thủy chung, gắn bó với cây điều như vua trồng điều Nguyễn Hùng Chiến ở Bù Gia Mập; chị Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ; anh Hoàng Mạnh Bình, Giám đốc doanh nghiệp chế biến hạt điều Việt Sơn, Phó chủ tịch Hội Điều Bình Phước... Họ là những con người đã sống chết với cây điều không chỉ bởi lợi ích kinh tế mà còn bởi niềm đam mê, sự báo đáp.

Ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế - xã hội trong nước, cây điều còn là “cầu nối” trong việc củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Với điều kiện tự nhiên - xã hội có nhiều nét tương đồng với Bình Phước, người dân các tỉnh Kratíe, Mundulkiri (Vương quốc Campuchia) và người dân tỉnh Chămpasắk (Lào) đã và đang được đội ngũ cán bộ khuyến nông Bình Phước tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây điều. Từ đây, nhiều chương trình, dự án hợp tác giữa ba nước anh em đang được mở ra, vừa tạo tiền đề để phát triển kinh tế vừa là cơ sở để thắt chặt tình hữu nghị quốc tế.

Khách xa gần đến với Bình Phước thì chỉ có hạt điều làm quà. Điều Bình Phước vẫn mãi thơm ngon đặc biệt và người Bình Phước vẫn nổi tiếng trồng điều giỏi. Nhưng sự nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường đã lại khiến cho người trồng điều Bình Phước phải lao đao. Thời điểm này, diện tích điều toàn tỉnh chỉ còn khoảng 134.500 ha, giảm 36.630 ha so với thời điểm 7 năm trước. Năng suất thấp do sâu bệnh, thời tiết; giá thu mua thấp do mánh lới ép giá của thương lái và do cả sự cạnh tranh của điều nhập ngoại. Rồi sự tính toán hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích ngày càng được nhiều người quan tâm hơn khi đất sản xuất ngày càng ít... Tất cả những điều đó lại đặt cây điều vào thế chông chênh. Bài toán lợi ích luôn bắt buộc những người yêu thương, gắn bó với cây điều, với ngành điều trong sự lựa chọn dứt khoát cây này hay cây khác.

Để nông dân chọn lựa cây điều, để doanh nghiệp gắn bó với ngành điều thì không thể chỉ tuyên truyền, vận động như khi vận động thực hiện chính sách dân số hay đội nón bảo hiểm; càng không thể chỉ “khuyến cáo” người dân như một vài ý kiến tại hội thảo “Mùa điều bội thu” mới được tổ chức gần đây. Điều mà người trồng điều, người chế biến điều cần bây giờ là những chính sách hỗ trợ hợp lý, hiệu quả. Có như thế thì cây điều mới không bị xem là “chiếu dưới” khi so sánh với các loại cây công nghiệp khác và để người trồng điều không phải vừa cưa bỏ vườn cây vừa ngậm ngùi thốt lên “Thương quá điều ơi”!

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm 2014, toàn tỉnh còn khoảng 134.506 ha điều (giảm 36.630 ha so với năm 2007). Trong đó, diện tích sản xuất có hiệu quả chỉ chiếm 40-50%, là những vườn được trồng giống mới năng suất cao, trồng trên vùng đất tốt. Diện tích còn lại là điều già cỗi, kém năng suất hoặc trồng ở các vùng đất không đảm bảo điều kiện cho cây điều phát triển. Dù không ồ ạt như trước, nhưng diện tích điều vẫn tiếp tục giảm bởi người dân vẫn đang chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê hoặc cây ăn trái - là những loại cây cho giá trị cao trên cùng diện tích đất.

Hiện toàn tỉnh có 210 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều. Với chừng ấy doanh nghiệp và cơ sở chế biến, lượng điều thô tiêu thụ hàng năm không hề nhỏ. Trong khi đó, sản lượng điều mấy năm gần đây liên tục sụt giảm do năng suất thấp và thu hẹp diện tích nên không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu. Vì thế, nhiều doanh nghiệp chế biến buộc phải nhập nguyên liệu để duy trì, mở rộng sản xuất.

L.T

 

  • Từ khóa
39549

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu