Thứ 7, 20/04/2024 16:36:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:00, 31/08/2018 GMT+7

Nông nghiệp xanh

Thứ 6, 31/08/2018 | 06:00:00 169 lượt xem
BP - Tự ủ phân chuồng, phân cá, phân đậu nành, thuốc thảo mộc để chăm sóc và diệt côn trùng cho vườn cây ăn trái thay thế hoàn toàn phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật là cách ông Trần Tuấn Dũng ở tổ 3, ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) nâng cao chất lượng trái cây theo hướng xanh, sạch, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

>> Bay cao ước mơ nông nghiệp xanh

Xây dựng trang trại bằng vietGAP

Ông Dũng có 13 ha đất nhưng không trồng chuyên canh một loại cây mà chia diện tích ra nhiều khu. Trong đó, một khu 5 ha trồng bưởi da xanh xen trong vườn nhãn tiêu da bò, còn lại ông trồng các loại cây có múi cho giá trị kinh tế cao, như bưởi, cam, quýt. “Nhờ trồng nhiều loại cây nên cho thu nhập quanh năm, mùa nào trái nấy. Hơn nữa, trường hợp cây này thất mùa do ảnh hưởng thời tiết và biến đổi khí hậu hay mất giá còn có cây kia bù lại, không sợ thất thu” - ông Dũng nói.

Ông Trần Tuấn Dũng (trái) ấp Thanh An, xã Thanh Lương đang hướng dẫn hội viên Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Bình Long sản xuất theo hướng an toàn nhằm cung cấp cho thị trường trái cây sạch với sản lượng lớn

Tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi, Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Hội năm 1979, sau khi ra trường, từ năm 1982-1990, ông Dũng được cử đi đào tạo tại Liên Xô về chuyên ngành cơ khí nông nghiệp. Về nước, ông chọn miền Nam làm nơi lập nghiệp. Từ những kiến thức đã học, ông Dũng đến vùng đất Bình Long phát triển cây ăn trái theo cách riêng của mình. Năm 1997, ông là một trong những người đầu tiên ở ấp Thanh An trồng nhãn tiêu da bò.

“Lúc tôi đến, ở đây toàn là rừng, cây tạp, đường đi khó nhưng nhận thấy chất đất rất tốt, bao quanh là suối nên có nguồn nước dồi dào thích hợp trồng cây ăn trái, tôi quyết định bám trụ mảnh đất này. Tôi mua giống nhãn tiêu da bò về trồng thử trên 1 ha đất và phải đạp xe hàng chục cây số mới mua được cây giống. Vì chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu tiên xuống giống chết nhiều, nhãn lại mất giá, có thời điểm chỉ 1.500 đồng/kg. Nhờ kiên trì và những năm sau người dân trồng nhiều, thương lái ở Tây Ninh, Campuchia đổ về mua nên giá tăng dần, có lúc lên gần 30 ngàn đồng/kg. Cây nhãn phát triển tốt, tôi mở rộng lên 5 ha và chỉ chăm sóc bằng phân chuồng để giữ độ bền cho cây và đất. Vì vậy, dù đã trồng 20 năm nhưng hiện mỗi cây vẫn cho thu hoạch từ 150-200kg trái. Xã Thanh Lương giờ có gần 1.000 ha cây ăn trái, nhiều hộ kinh tế khá, xây nhà lầu, mua xe hơi nhưng cũng có không ít gia đình phá sản vì cây ăn trái do trồng theo phong trào, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến cây chết hàng loạt” - ông Dũng chia sẻ.

Không chỉ là “đại gia” nhãn tiêu da bò, 20 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái, ông Dũng luôn tìm tòi, trồng thử nghiệm nhiều loại cây phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất này, như bưởi da xanh, cam, quýt và sắp tới là sầu riêng Ri6, bơ A34. Tính đường dài, ông Dũng luôn xác định phải mở rộng đầu ra bền vững cho các loại trái cây đặc sản bằng uy tín về chất lượng và sự an toàn. Chính tư duy làm nông nghiệp hiện đại đã giúp ông sắp xếp, bố trí trang trại gia đình khoa học với quy trình sản xuất và chăm sóc cây rất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Vườn cây được tưới tiêu bởi dòng nước ngầm dẫn từ con suối tự nhiên chảy quanh năm bao bọc trang trại; xử lý cỏ dại bằng phương pháp cắt tỉa, không sử dụng thuốc diệt cỏ, tránh ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng và an toàn nông sản.

Tự sản xuất phân bón

Chúng tôi thấy ở trang trại gia đình ông Dũng cây trồng rất gần nhau, cây cách cây từ 1-2m nhưng phát triển tốt, trái nhiều. Ông Dũng giải thích: “Đây là mô hình tôi học tại tỉnh Trà Vinh. Cây cam ưa ánh nắng vươn lên cao, trồng dày cây dựa vào nhau tránh bị gió quật đổ, trái không bị táp nắng, giữ được màu xanh đều, đẹp mắt. Khi cam, quýt thu hoạch được 3 năm thì chặt bỏ để tập trung chăm sóc cây bưởi”.

Ông Trần Tuấn Dũng tự ủ phân sinh học để tạo độ bền cho bộ rễ, cây trồng cải tạo đất, tăng độ ngọt trái cây

Vài năm trở lại đây, bưởi da xanh, cam, quýt đường cho thu nhập khá ổn định nên ông Dũng đang mở rộng diện tích các loại cây này. Nỗi lo lớn nhất của nông dân luôn là đầu ra nông sản. Ông chọn các loại cây có múi không chỉ vì những loại cây này cho thu nhập tốt mà còn cho thu hoạch quanh năm, có thể trữ được thời gian dài nên rủi ro về thị trường cũng thấp hơn nhiều so với loại cây ăn trái khác.

 Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, ông Dũng đặc biệt chú ý yếu tố “sạch” trong sản xuất. Làm theo hướng hữu cơ sinh học là cách ông Dũng áp dụng cho vườn cây ăn trái ngay từ khâu làm đất, xuống giống đến khi cây bén rễ trưởng thành và ra trái. Ông Dũng so sánh: “Làm vườn theo hướng hữu cơ, giai đoạn đầu cây không lớn nhanh và xanh tốt bằng việc thúc phân hóa học, đầu tư cũng tốn công, chi phí cao hơn nhưng về lâu dài có nhiều ích lợi mà vẫn tiết kiệm. Tôi chỉ dùng phân cá, phân đậu nành, phân chuồng hoai mục, phân trùn quế bón luân phiên theo chu kỳ phát triển của cây. Thành phần đạm, axít trong phân đậu nành cao nhưng giá thành rẻ và có độ bền hơn phân hóa học từ 5-6 tháng. 1 năm nên bón thêm phân trùn quế 2-3 lần để tạo độ bền cho bộ rễ, cải tạo đất, tăng độ ngọt cho trái. Tôi dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng thảo mộc với thành phần tỏi, ớt, xả... giúp cây bền, trái xanh, bóng, màu đẹp”.

Ông Dũng chia sẻ, 1kg cá tạp giá chỉ 10 ngàn đồng, trong khi phân cá mua ngoài thị trường giá từ 150-170 ngàn đồng/lít. Tôi dùng cá với một vài chế phẩm hữu cơ, ngâm ủ trong thùng nhựa lớn. Sau khi cá phân hủy hết, tôi hòa với nước bón đều cho cây. Sử dụng phân cá giúp vườn cây phát triển bền vững hơn vì trong cá chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh sẽ giúp cây trồng hấp thu tốt hơn. Trước đây tôi bón phân hóa học tốn khoảng 3 triệu đồng/ha, giờ chỉ chừng 1 triệu đồng.

Ông Dũng hiện là Giám đốc Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Bình Long, Tổ trưởng Tổ làng nghề, Tổ trưởng Tổ VietGAP. “Mục tiêu của chúng tôi là thu hút nông dân tham gia sản xuất an toàn. Từ đó, có thể cung cấp ra thị trường trái cây sạch với sản lượng lớn, ổn định và lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, vấn đề tôi luôn trăn trở là chưa xây dựng được khu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch giúp trái cây tươi lâu, mẫu mã đẹp, có thể vận chuyển đi xa mà không ảnh hưởng chất lượng, giá trị thương phẩm. Đây cũng là mục tiêu hợp tác xã hướng tới để duy trì sản xuất - kinh doanh bền vững” - ông Dũng nói.

Ngân Hà

  • Từ khóa
43030

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu