Thứ 5, 18/04/2024 16:14:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 05:00, 18/12/2018 GMT+7

Thương hiệu cho trái cây - tại sao không?

Thứ 3, 18/12/2018 | 05:00:00 4,817 lượt xem
BP - “Nếu trồng cây ăn trái ở Bình Phước mà không giàu được thì nhà nông không thể làm giàu ở đâu được. 2 yếu tố tối quan trọng cho cây ăn trái là khí hậu, thổ nhưỡng và không ở đâu lý tưởng hơn Bình Phước. Chỉ có điều nông dân chúng tôi đang còn khó khăn đầu ra, nhất là việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng chưa biết bắt đầu từ đâu, như thế nào” - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ cây ăn trái Long An - Minh Hưng Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.

NHỮNG VÙNG ĐẤT CHUYÊN CANH

Rời huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp năm 2012, vợ chồng nhà nông Lê Ngọc Sang tìm đến ấp Tân Định, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp mua 1,2 ha đất trồng lúa hết 1,5 tỷ đồng và chi gần 1 tỷ đồng để móc mương, lên liếp trồng cam. Năm 2016, vườn cam của gia đình  cho mùa thu hoạch đầu tiên với năng suất lên đến 51 tấn. Giá cam trên thị trường lúc bấy giờ là 25.000 đồng/kg. 51 tấn cam mang về hơn 1 tỷ 250 triệu đồng. Năm 2017, vườn cam tiếp tục cho 50 tấn với giá 16.000 đồng/kg, gia đình anh thu về hơn 700 triệu đồng. Với tổng doanh thu sau 2 vụ mùa thu hoạch, vợ chồng anh Sang đã lấy lại vốn đầu tư mua đất và cải tạo vườn.

Bình Phước hiện có 1.049 ha cây sầu riêng đang cho thu hoạch nhưng cả tỉnh chưa có vùng nào xây dựng được thương hiệu cho loại cây trồng này

Nhà nông Lê Ngọc Sang cho biết, vùng đất trồng cam của gia đình hiện thuận lợi hơn nhiều so với trồng cây ăn trái ở huyện Hồng Ngự trước đây. Đặc biệt vườn cam không bị tình trạng vàng lá chết hàng loạt như các nhà vườn ở miền Tây. Đó là chưa kể tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn thường xuyên ở miền Tây làm cho cây ăn trái bị dịch bệnh dẫn đến rụng trái hoặc chết cây cả vườn.

Không chỉ ở xã Tân Thành, các xã Thanh Hòa, Thiện Hưng, Tân Tiến của huyện Bù Đốp đã và đang hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt tại xã Thanh Hòa đã thành lập HTX bưởi da xanh Global GAP với tổng diện tích trên 70 ha. Phương châm của HTX là đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ, tiến dần đến chuẩn quy trình hữu cơ sinh học hoàn toàn. Toàn huyện Bù Đốp hiện có 898 ha cây ăn trái nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với diện tích cây ăn trái của huyện Đồng Phú hay thị xã Bình Long.

22 năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hùng ở tỉnh Long An bén duyên với 10 ha đất trồng sầu riêng tại thôn 6, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng. Sau 22 năm gắn bó với loài cây có múi này, nhà nông Nguyễn Ngọc Hùng rất đỗi tự hào về quy trình trồng, chăm sóc để cây cho chất lượng tốt nhất. Từ 10 năm trước, toàn bộ diện tích trồng sầu riêng của gia đình ông đã không sử dụng thuốc diệt cỏ. Tùy từng giai đoạn phát triển của cây mà ông sử dụng phân bón khác nhau. Ông còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa khống chế nước để xử lý vườn cây ra hoa, trái đồng loạt hoặc trái vụ. Điều đó đã giúp vườn sầu riêng của gia đình ông cho năng suất bình quân dao động từ 17-20 tấn/ha, tùy theo giá thị trường cho thu nhập 600 đến 700 triệu đồng mỗi năm. Cuối năm 2017, gia đình ông liên kết cùng 53 nông hộ trên địa bàn xã Minh Hưng thành lập HTX dịch vụ cây ăn trái Long An - Minh Hưng để tìm kiếm giải pháp hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và đầu ra cho cây ăn trái. Toàn huyện Bù Đăng hiện có 948 ha cây ăn trái nhưng chưa có loại trái cây nào được xây dựng thương hiệu.

QUY HOẠCH VÀ THƯƠNG HIỆU

Trước khi bén duyên với cây sầu riêng, nhà nông Nguyễn Ngọc Hùng là thương lái buôn gạo từ miền Tây đến tất cả các tỉnh miền Đông. Chính nghề buôn đã giúp ông bén duyên với vùng đất Bình Phước rồi dấn thân vào nghề trồng sầu riêng. Ông cho biết, chất lượng trái sầu riêng của Bình Phước không thua kém bất kỳ tỉnh nào trong khu vực. So với miền Tây thì sầu riêng của Bình Phước thơm ngon hơn, so với các tỉnh Tây Nguyên thì trái cây Bình Phước chín sớm hơn nên thường được giá. Khí hậu Bình Phước lại ôn hòa, không bão lũ nên tránh được tình trạng cây gãy đổ, ngập úng.

Nhiều diện tích cây ăn trái đã được các hợp tác xã hoặc nông hộ trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học

Trong một hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng cây ăn trái do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng tổ chức mới đây, kỹ sư Huỳnh Văn Tấn, Trưởng trại thực nghiệm thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: Với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh Bình Phước thì việc trồng cây ăn trái không phải bận tâm bất kỳ điều gì. Từ khí hậu đến thổ nhưỡng đều rất thuận lợi. Mặc dù miền Tây nổi tiếng cả nước về cây ăn trái từ trước tới nay nhưng xét về chất lượng thì trái cây Bình Phước nói riêng và cả khu vực Đông Nam bộ nói chung rất tốt, vượt cả các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, việc trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh chỉ lo ngại 2 điều, thứ nhất là diện tích đất có đá bàn, thứ hai thiếu nước tưới. Nếu Bình Phước quy hoạch hay ít ra người dân biết được khu vực nào có đá bàn thì không nên khuyến khích trồng cây ăn trái. Về đầu ra cho cây ăn trái thì không có giải pháp nào tốt hơn nếu Bình Phước xây dựng được thương hiệu cho từng loại cây trồng. Đặc biệt, Bình Phước là tỉnh nông nghiệp đã và đang xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác cây ăn trái, đây cũng là lợi thế để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên kết với các HTX xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị nông sản không chỉ giúp người dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập mà còn giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu Dương Văn Thường cho rằng: Việc phân loại, quy hoạch đất cho từng loại cây trồng sẽ có ý nghĩa rất lớn, giúp nhà nông định hình được từng loại cây trồng cho từng loại đất khác nhau. Hiện nay, nhìn lên bản đồ chỉ biết màu nào là đất ở, màu nào là đất trồng cây lâu năm hay đất trồng cây hằng năm. Ngay cả cán bộ khuyến nông, nông nghiệp của xã, thậm chí của huyện cũng chưa biết loại đất nào thích hợp cho loại cây trồng gì thì người nông dân làm sao biết được để phát triển kinh tế nông nghiệp. Do không hiểu được chất đất cho từng loại cây trồng mà người dân cứ mãi loay hoay với việc hết trồng rồi chặt, hết chặt lại trồng là vậy. Do vậy, công tác quản lý về mặt nhà nước mình phải tính lại, phải có quy hoạch, phải có chế tài đối với từng vùng đất, từng loại cây trồng đi kèm với tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên trồng cây gì trên loại đất nào. Chừng nào làm được như thế chúng ta mới tính đến việc xây dựng thương hiệu. Bởi thương hiệu cho cây ăn trái phải gắn liền với vùng chuyên canh, gắn với quy trình sản xuất, sản lượng và chất lượng một cách ổn định.

Bình Phước hiện có 8.951 ha cây ăn trái. Đồng Phú là huyện dẫn đầu cả tỉnh về diện tích với 2.012 ha, kế đến là thị xã Bình Long có 1.430 ha và huyện Lộc Ninh 1.238 ha. Ai cũng biết giá trị của thương hiệu là giá trị thực của sản phẩm. Mỗi sản phẩm khi có thương hiệu sẽ nâng cao giá trị lên gấp nhiều lần, nhiều thị trường tiêu thụ. Thế nhưng việc xây dựng thương hiệu cho nông sản nói chung và từng loại cây ăn trái nói riêng sẽ không có và không bao giờ có nếu nhà nông và các cơ quan hữu quan không bắt tay thực hiện từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhất. Và như thế, trái cây Bình Phước sẽ mãi thua thiệt trên thương trường.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
94499

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu