Thứ 5, 28/03/2024 22:46:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:47, 07/03/2018 GMT+7

Thực trạng và khó khăn trong công tác trẻ em

Thứ 4, 07/03/2018 | 06:47:00 5,426 lượt xem
BP - Thống kê đến tháng 10-2017, toàn tỉnh có khoảng 306.100 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó khoảng 3.500 trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền cùng ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, công tác này vẫn còn không ít khó khăn và cũng không dễ khắc phục.

Anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn tặng quà trẻ em vùng sâu huyện Bù Đốp - Ảnh: C.Liên

Với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, trong năm 2017, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đều tổ chức diễn đàn trẻ em. Thông qua diễn đàn, các em được tạo điều kiện hoạt động, thảo luận nhóm và đối thoại với lãnh đạo địa phương về thực trạng, nguyên nhân, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn. Các em cũng được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đưa ra thông điệp, kiến nghị liên quan đến quyền lợi của mình. Đồng thời nêu lên những tình huống thường gặp liên quan đến tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong chính gia đình mình. Riêng huyện Chơn Thành còn mời chuyên gia tâm lý thuộc Trung tâm Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt (TP. Hồ Chí Minh) truyền đạt những kiến thức về quyền trẻ em, trong đó có Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em; nhận diện về bạo lực học đường, hành vi xâm hại tình dục, phân biệt vùng nhạy cảm trên cơ thể, cách phòng chống khi lâm vào tình huống xâm hại... Qua đó trang bị cho các em kỹ năng phòng, chống bị xâm hại tình dục với quy tắc “5 ngón tay” giúp các em biết cách xử lý tốt tình huống, tránh bị xâm hại.

 Hầu hết trẻ hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp

Từ năm 2012 đến nay, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp các tổ chức nhân đạo, từ thiện trong và ngoài tỉnh đã khám, phân loại được trên 16.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua khám phân loại và phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa của TP. Hồ Chí Minh, đã có trên 180 em bị bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí thành công. Đáng nói là hầu hết những trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh đều rơi vào hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh éo le.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được các tổ chức từ thiện - xã hội trong, ngoài tỉnh tích cực tham gia và đã đóng góp hơn 12 tỷ đồng để tổ chức các đợt khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị bệnh tim, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật vận động... Hiện toàn bộ trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh đều được giúp đỡ phẫu thuật miễn phí. Tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tăng hằng năm. Đến năm 2017, có khoảng 87% trẻ hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp.

Riêng năm 2017, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp các đơn vị tài trợ đã hỗ trợ, tặng học bổng cho 59 trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phối hợp Tập đoàn viễn thông quân đội - Chi nhánh Bình Phước và đoàn bác sĩ thiện nguyện TP. Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh miễn phí cho 2.213 trẻ. Qua sàng lọc, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật miễn phí 35 em. Dịp lễ, tết truyền thống, tết thiếu nhi đã tổ chức thăm, tặng 10.300 phần quà cho trẻ hoàn cảnh đặc biệt từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, ngân sách và vận động.

Quan tâm thực hiện chính sách đối với trẻ em

Chương trình xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được triển khai từ năm 2011 theo Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định, mỗi xã, phường để được công nhận phù hợp với trẻ em phải đảm bảo đạt 15 tiêu chí. Trong đó có các tiêu chí như: tỷ lệ trẻ được khai sinh đúng quy định, tỷ suất trẻ bị xâm hại, mua bán, bạo lực, bắt cóc, hay có các vấn đề xã hội, tỷ suất trẻ bị tai nạn thương tích, lao động trong môi trường nặng nhọc, tỷ suất trẻ được tiêm chủng đầy đủ, được đến trường, vui chơi giải trí... Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, hiện toàn tỉnh có 106/111 xã, phường phù hợp với trẻ em và khoảng 61% xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ. Một số địa bàn như thị xã Đồng Xoài, huyện Chơn Thành, 100% xã, phường phù hợp với trẻ em. Nhờ đó, môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được nâng lên; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền của trẻ em được đảm bảo.

Tháng 10-2017, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc tại thị xã Đồng Xoài về công tác trẻ em và đã xác nhận trẻ em sinh ra trên địa bàn được khai sinh đúng quy định đạt 100%; 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng năm 2016 là 10,5%, giảm 0,3% so năm 2015; có 99% trẻ được tiêm chủng đầy đủ; trẻ 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,48%; 100% trường mầm non đều có khu vui chơi, bãi tập cho trẻ... Huyện Chơn Thành có 17.655 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 23,96%. 5 năm qua, có 39.519 trẻ được tiêm vắc-xin ngừa 7 bệnh nguy hiểm; có 41.265 trẻ uống vitamin A; khám điều trị suy dinh dưỡng cho 2.721 trẻ; tiêm phòng các bệnh về não 5.603 cháu. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 4,83% (năm 2013) xuống 1,04% (năm 2017). Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 4 cơ sở tư nhân nhận nuôi 44 trẻ mồ côi.

Những khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Từ đặc thù của một tỉnh có tỷ lệ di dân cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn cùng những hoàn cảnh, điều kiện cá biệt khiến một bộ phận không nhỏ trẻ em đang phải sống trong môi trường không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ. Đó là trẻ sống trong những gia đình nghèo, thiếu sự chăm sóc và phải lao động sớm để kiếm sống; trẻ sống trong những gia đình có vấn đề về xã hội như cha mẹ ly hôn, làm ăn xa nhà, gia đình có người vi phạm pháp luật hoặc chính trẻ em vi phạm pháp luật... Do đó, nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khoảng 5 năm gần đây ở Bình Phước tăng nhanh. Vì vậy, rất cần chính sách hỗ trợ của Trung ương theo định mức cho trẻ, nhất là trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì nguồn kinh phí của tỉnh dành cho công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em quá thấp, không thể đáp ứng nhu cầu.

Với một tỉnh có 306.100 trẻ dưới 16 tuổi, chiếm trên 33% số dân, nhưng mấy năm gần đây, ngân sách tỉnh chi cho công tác trẻ em chỉ đạt bình quân khoảng 700 triệu đồng/năm và nguồn kinh phí này chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước. Bất cập nhất là bộ máy hoạt động ở tuyến xã. Trước đây, mỗi xã, phường đều có cán bộ chuyên trách làm công tác dân số - gia đình và trẻ em, nay thì mỗi xã, phường làm một kiểu. Có xã giao cho cán bộ thương binh - xã hội kiêm nhiệm, có xã vẫn để nguyên như cũ, nghĩa là cán bộ dân số theo dõi công tác trẻ em. Tình hình này dẫn đến hàng loạt khó khăn trong công tác quản lý. Việc trợ giúp trẻ hoàn cảnh đặc biệt thường dựa vào nguồn vận động và thường mới chỉ tập trung vào hoạt động giúp đỡ vật chất. Các dịch vụ trợ giúp trẻ chưa đồng bộ và thiếu điều kiện ngăn chặn nguy cơ dẫn đến tình trạng trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như bị xâm hại, bị lạm dụng, bị bỏ rơi. Đáng chú ý là nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng gia đình không cung cấp thông tin, tố giác với cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng tới gia đình; thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình nạn nhân... Đây là những thông tin đáng lo ngại, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta cũng đã coi việc chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà còn là thực thi pháp luật. Vì thế, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ phát động trong Tháng hành động vì trẻ em rồi bỏ đó.

Thảo Linh

  • Từ khóa
60329

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu