Thứ 6, 29/03/2024 04:09:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:15, 13/03/2019 GMT+7

Thực trạng chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK

Thứ 4, 13/03/2019 | 06:15:00 328 lượt xem
BP - Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK là một tiểu dự án thuộc Chương trình 135 của Chính phủ được triển khai từ năm 2016. Bình Phước là một trong những tỉnh thụ hưởng chương trình này. Bằng việc lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn ĐBKK từ nguồn vốn Chương trình 135 đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo ra những thay đổi rõ nét về diện mạo khu dân cư và tạo đà phát triển cho kinh tế, xã hội ở các thôn, xã vùng sâu, xa, biên giới của tỉnh.

Lồng ghép nhiều chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả đầu tư

Từ đặc thù của một tỉnh có đường biên giới dài 260,433km, tỷ lệ đồng bào DTTS cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, những năm qua, rất nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS được tỉnh tập trung thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn ĐBKK.

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, các huyện, thị xã đều thành lập ban chỉ đạo chương trình do phó chủ tịch UBND làm trưởng ban và Ban Dân tộc là cơ quan thường trực. Năm 2016, UBND tỉnh đã phân bổ bình quân 1 tỷ đồng/xã ĐBKK, 200 triệu đồng/thôn ĐBKK đối với dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phân bổ 300 triệu đồng/xã và 50 triệu đồng/thôn đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Các dự án đào tạo, bồi dưỡng được giao Ban Dân tộc - cơ quan thường trực của Chương trình 135 chủ trì, phối hợp các ngành liên quan thực hiện với tổng kinh phí 1,02 tỷ đồng.

Đường ĐT748 được đầu tư xây dựng, tạo đà phát triển cho các xã biên giới Thiện Hưng, Hưng Phước của huyện Bù Đốp (ảnh minh họa) - K.B

Là một chương trình sử dụng nguồn vốn Trung ương và một phần vốn đối ứng của địa phương, mang tính nhân văn sâu sắc, triển khai hiệu quả sẽ tạo ra nhiều cơ hội rút ngắn khoảng cách thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần giữa các vùng, miền. Thế nên chủ trương của UBND tỉnh là phát huy tối đa tinh thần dân chủ, trong đó đặc biệt quan tâm đến lợi ích của đối tượng thụ hưởng. Theo đó, trước khi triển khai từng công trình, UBND các xã đã thông báo rộng rãi và minh bạch đối tượng thụ hưởng, kế hoạch vốn, quyết toán kinh phí từng năm và cả giai đoạn; đồng thời lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện được Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh quan tâm đôn đốc. Bên cạnh sự kiểm tra, giám sát định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất của cơ quan thường trực là Ban Dân tộc, còn có các đoàn giám sát định kỳ của HĐND tỉnh. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh những chệch choạc của các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Tổng nguồn vốn thực hiện tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay là 65,97 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016 trên 22 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã đầu tư xây dựng mới 14 công trình với tổng vốn 5,85 tỷ đồng; 16 công trình chuyển tiếp với tổng vốn trên 7 tỷ đồng; sửa chữa, bảo dưỡng 26 công trình với tổng vốn 9,12 tỷ đồng. Năm 2017, tổng vốn thực hiện 18,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 15,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 3,4 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã đầu tư mới và sửa chữa 43 công trình. Năm 2018, tổng vốn thực hiện dự án tăng lên 25,138 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 21,668 tỷ đồng, địa phương đối ứng 3,47 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã đầu tư xây dựng mới và sửa chữa 43 công trình, cùng với 34 công trình chuyển tiếp.

Từ việc lựa chọn những công trình bức thiết với đối tượng thụ hưởng ở từng thôn, xã ĐBKK, cùng sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc, nguồn vốn của chương trình đã được sử dụng hiệu quả. Rất nhiều thôn, xã ĐBKK đã có đường nhựa, bê tông đến từng khu dân cư; nhiều công trình dân sinh được đưa vào sử dụng góp phần cải thiện điều kiện sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các đối tượng và các vùng trong tỉnh. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hợp phần, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng công trình, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 đã tạo ra bước chuyển mới đối với các địa bàn ĐBKK, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh và vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Những hạn chế cần khắc phục

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, hiện nay các chính sách, dự án thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK, xã biên giới chủ yếu bằng nguồn vốn Trung ương. Thế nhưng vốn thường về chậm và dàn trải; nguồn đối ứng của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tình hình này không phải đến bây giờ mới xảy ra mà từ khi bắt đầu triển khai (năm 1998), nguồn lực cũng như định mức phân bổ kinh phí thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 135 thường không đủ theo kế hoạch phân bổ vốn, gây khó khăn trong việc bình xét đối tượng và chọn mô hình hỗ trợ. Một số công trình buộc phải chia nhỏ các hạng mục đầu tư và kéo dài thời gian thi công, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, gây lãng phí. Bên cạnh đó, công tác thông tin báo cáo của các địa phương còn chậm. Có huyện, thị xã không báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không đầy đủ nên việc cập nhật thông tin chưa kịp thời, chưa đầy đủ, nhất là việc đánh giá kết quả lồng ghép huy động các nguồn lực trong thực hiện mục tiêu của chương trình.

Từ thực tế này, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương nâng mức hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 lên 1,5 lần so với hiện tại và sớm ban hành bộ chỉ tiêu rà soát xã, thôn hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 để đánh giá sát thực việc thực hiện chương trình, làm cơ sở tham mưu xây dựng kế hoạch phân bổ vốn thực hiện trong thời gian tiếp theo. Đồng thời tăng cường nguồn lực từ nguồn ngân sách, xã hội hóa, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào vùng ĐBKK, lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn đảm bảo đồng bộ và hiệu quả.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
44040

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu