Thứ 6, 29/03/2024 12:32:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:00, 14/10/2017 GMT+7

Thực hiện tốt bài toán giúp dân phát triển kinh tế bền vững nhờ rừng

Thứ 7, 14/10/2017 | 16:00:00 2,183 lượt xem
BPO - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” diễn ra sáng nay 14-10.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước có các đồng chí: Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh và huyện, thị xã.

Theo kết quả điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng năm 2016 cả nước có 14.377.682 ha rừng, tăng 315.826 ha so với năm 2015; độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%, giai đoạn 2013-2016 so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012; sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần, từ 5,6 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3… Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách, năm 2017, ước thu khoảng 1.650 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh phát biểu tại hội nghị

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế. 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ; diện tích rừng bị thiệt hại 1.257ha, giảm 3.078 ha so với cùng kỳ năm 2016; đã xử lý hành chính 10.985 vụ, xử lý hình sự 263 vụ. Riêng khu vực Tây Nguyên phát hiện 3.877 vụ vi phạm về bảo vệ rừng, giảm 10%; diện tích rừng bị thiệt hại 444 ha, tăng 23 ha so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân dẫn đến rừng vẫn bị tàn phá là do chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, báo cáo diện tích rừng bị thiệt hại không trung thực, không nghiêm túc khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với diện tích bị phá để xâm canh, lấn chiếm kéo dài tạo hệ lụy xấu khó xử lý; một bộ phận kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm; sự phối hợp giữa các cấp, ngành và lực lượng chức năng thiếu chặt chẽ…

Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh trọng điểm về rừng đề nghị: Chính phủ ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án ổn định dân cư sinh sống ở khu vực có rừng; bố trí vốn cho các chương trình phát triển lâm nghiệp và nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã được thực hiện, nhưng phải ngưng thực hiện sau khi thực hiện chủ trương đóng cửa rừng; xử lý nghiêm doanh nghiệp mua gỗ rừng trồng, rừng tự nhiên không rõ xuất xứ…

Rừng bán ngập ở huyện Bù Đốp

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh khẳng định năm 2017, Bình Phước thực hiện nghiêm công tác bảo vệ rừng, không để xảy ra phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho thực hiện 2 dự án cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và chuyển mục đích sang khai thác mỏ đã hoàn thành thủ tục pháp lý, nhưng chưa thực hiện do vướng chủ trương đóng cửa rừng; xem xét chấp thuận cho thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 700ha.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cũng kiến nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị bàn giao diện tích bán ngập cho tỉnh trồng rừng bán ngập, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa chống xói mòn và hạn chế rửa trôi đất. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép không trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển đổi từ rừng sang mục đích công cộng, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực hiện tốt bài toán kinh tế để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững nhờ rừng. Bên cạnh các giải pháp bảo vệ rừng, cần nâng cao cuộc sống của người dân, tránh cuộc sống bấp bênh để bà con có trách nhiệm và gắn bó với rừng hơn. Các địa phương cũng phải quản lý không để di dân tự do phá rừng. Phải có phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng rõ ràng chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc. Kiên quyết dừng hoạt động dự án thủy điện nhỏ không thực hiện trồng rừng thay thế…

Lâm Phương

  • Từ khóa
9449

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu