Thứ 6, 19/04/2024 15:55:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:52, 24/07/2018 GMT+7

Thực hiện pháp lệnh người có công - 5 năm nhìn lại

Thứ 3, 24/07/2018 | 16:52:00 1,026 lượt xem
BPO - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện Bình Phước đang quản lý 16.459 người có công (NCC) với cách mạng. Công tác thực hiện chính sách và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng NCC trong những năm qua đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể, cơ quan trên địa bàn tỉnh đã có những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng.

Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh

Thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16-7-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bình Phước đã hoàn thiện các văn bản triển khai Pháp lệnh vào đời sống xã hội như: Ban hành kế hoạch tổng rà soát đối tượng chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng; thành lập ban rà soát; ban hành công văn thực hiện hỗ trợ NCC với cách mạng khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Để chuyển tải Pháp lệnh số 04 rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, Báo Bình Phước, Đài Phát Thanh và Truyền hình đã tăng cường công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu rõ, hiểu đúng tích cực thực hiện cũng như giám sát nhằm hạn chế tiêu cực có thể xảy ra. Báo, đài còn mở các chuyên mục biểu dương gương người tốt, việc tốt, đơn vị, địa phương làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; tuyên truyền gương thương binh, bệnh binh vượt khó, làm kinh tế giỏi… 111 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều bố trí một cán bộ  phụ trách công tác NCC. Đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách ưu đãi NCC luôn kịp thời nắm bắt các văn bản mới triển khai thực hiện. Từ năm 2013 đến 2016, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tập huấn, triển khai các văn bản mới về NCC cho 746 lượt người, hỗ trợ phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã tập huấn các chính sách cho 1.550 cán bộ. Có 36 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực NCC được niêm yết, công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cấp và cổng thông tin điện tử của ngành LĐ-TB&XH. Nhờ đó, các thủ tục hành chính luôn được giải quyết nhanh gọn, tránh phiền hà cho đối tượng.

Tỉnh đã triển khai và hoàn thành tốt việc tổng rà soát chính sách ưu đãi cho 16.459 NCC. Sở LĐTB&XH tỉnh đã phối hợp với BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Sở Nội vụ công nhận và giải quyết 1.399 hồ sơ NCC. Thẩm định, xét duyệt và trình Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng cho 266 Mẹ Việt Nam anh hùng. Tổ chức lễ an táng theo nghi thức Nhà nước cho 514 liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam được quy tập tại Vương quốc Campuchia và liệt sĩ được quy tập trong tỉnh về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Chế độ ưu đãi NCC được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện. Ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm còn có 3.825 em học sinh, sinh viên là con của NCC đang theo học tại các trường trung học, cao đẳng và đại học được hưởng trợ cấp ưu đãi. Tỉnh đã nỗ lực đảm bảo nguồn lực tài chính chi chính sách hằng tháng cho NCC. Các văn bản thực hiện Pháp lệnh đều được xây dựng và điều chỉnh tương đối hoàn thiện như: Thân nhân người có công được Nhà nước mua BHYT, chế độ điều dưỡng từ 5 năm một lần chuyển thành 2 năm một lần; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày chuyển từ hưởng 1 lần sang  hưởng hằng tháng. Đặc biệt quan tâm thực hiện hỗ trợ nhà ở cho NCC theo Quyết định số 22/3013/QĐ-TTg và trong 5 năm qua đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 646 căn nhà cho đối tượng NCC khó khăn về nhà ở.

Công tác xã hội hóa và phong trào chăm sóc người có công với cách mạng cũng được đẩy mạnh, kế thừa và phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, NCC già yếu hoàn cảnh khó khăn được duy trì, đi vào chiều sâu, có hiệu quả, thiết thực, góp phần ổn định chính trị xã hội, làm nên nét đẹp, tính ưu việt của đời sống xã hội.

Những tồn tại, vướng mắc

Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh luôn thay đổi, thiếu tính thống nhất, thiếu chặt chẽ và nhiều nội dung chưa được thể chế hóa kịp thời để sớm tổ chức thực hiện trong cuộc sống. Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo mức suy giảm khả năng lao động từ 2 mức nay thành 4 mức dẫn đến các đối tượng thắc mắc, khiếu nại. Một số chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, về chăm sóc sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng, chế độ trợ cấp quá thấp. Như chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng không đủ để mua hoặc làm dụng cụ chỉnh hình, đặc biệt là đối tượng phải làm chân, tay giả. Và vấn đề mới nảy sinh đó là biên chế ở cấp huyện, xã giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW nên cán bộ phụ trách công tác chính sách NCC biến động, dẫn đến việc nắm bắt đời sống NCC chưa kịp thời làm chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ về BHYT, mai táng phí…

Với những tồn tại, vướng mắc đó, rất cần ngành chức năng sửa đổi, bổ sung kịp thời chế độ chính sách để việc ưu đãi NCC được thực hiện đồng bộ, đầy đủ và có tính khoa học hợp lý hơn…

Thúy Hằng

  • Từ khóa
21614

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu