Thứ 6, 19/04/2024 09:26:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:03, 04/10/2013 GMT+7

Thực hiện bán trú bậc trung học cơ sở: Khó hay dễ?

Thứ 6, 04/10/2013 | 07:03:00 336 lượt xem

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo đã khuyến khích các trường, các địa phương tùy khả năng, tạo điều kiện cho học sinh được học bán trú. Chủ trương này đã và đang được xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thực hiện mô hình này đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là bậc THCS. Việc chấm dứt mô hình bán trú ở trường THCS Tân Phú (TX. Đồng Xoài) là một ví dụ.

Tại thị xã Đồng Xoài, hệ thống trường công lập chỉ có bậc mầm non thực hiện bán trú đạt 100%, bậc tiểu học đạt 64,2%. đối với bậc THCS, mô hình này mới chỉ được thực hiện tại trường THCS Tân Phú.


NHU CẦU TĂNG...

Thực tế cho thấy không chỉ đối với bậc mầm non, tiểu học mà bậc THCS, mô hình học bán trú vẫn đang là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh. Theo tâm lý của cha mẹ, cho con học bán trú, nhà trường sẽ thay gia đình quản lý con, cha mẹ yên tâm làm việc, không mất nhiều thời gian đưa đón. Nhưng quan trọng hơn là khi được học cả ngày ở trường, con em họ được sống và sinh hoạt trong môi trường sư phạm lành mạnh. Vì vậy, nhu cầu gửi con học bán trú ngày càng tăng.


Học sinh trường THCS Tân Phú trong giờ ăn trưa tại trường

Chị Nguyễn Thị Lành ở phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) nói: “Gia đình làm kinh doanh, nhà ở gần trường nhưng thời gian không ổn định, không có bà con họ hàng ở gần nên tôi đăng ký để các cháu được học lớp bán trú. Hơn nữa, học bán trú, các cháu được thầy cô kèm cặp tốt hơn...”. Không chỉ gia đình chị Lành mà rất nhiều phụ huynh ở thị xã Đồng Xoài đều có chung tâm lý.

Cô Đinh Thị Hường, Hiệu trưởng trường THCS Tân Phú cho biết, trường thực hiện bán trú cách nay đã 4 năm. Năm nào nhu cầu của phụ huynh cũng lớn, nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng nên trường chỉ mở mỗi khóa 5 lớp với khoảng 200 học sinh. Năm học 2013-2014, số lượng học sinh vào lớp 6 tăng đột biến nên trường không thể thực hiện bán trú. Nhiều phụ huynh tỏ vẻ tiếc nuối. Để đảm bảo phòng học cho các khối lớp, năm học này, trường phải vận động phụ huynh khối lớp 9 cho nghỉ bán trú. Hiện trường chỉ còn lớp bán trú của 2 khối 7 và 8 với khoảng 330 học sinh.


NHƯNG KHÔNG DỄ
THỰC HIỆN

Kể lại những ngày đầu thực hiện mô hình bán trú, cô Hường không khỏi cảm phục tâm nguyện của cô Tạ Thị Liên, nguyên Hiệu trưởng - người đã mạnh dạn đi đầu thực hiện loại hình bán trú bậc THCS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện bán trú, giáo viên có điều kiện gần gũi với học sinh nhiều hơn. Còn các bộ phận khác như y tế, bảo vệ cũng có điều kiện cải thiện cuộc sống... nhưng quan trọng hơn cả là trường có điều kiện rèn luyện thêm cho học sinh một số môn tại lớp.

Thế nhưng, những khó khăn về cơ sở vật chất, phòng học là lực cản lớn trong thực hiện lớp bán trú. Cô Hường cho biết, một số trường THCS đã thử thực hiện lớp bán trú nhưng chỉ được một học kỳ phải ngưng. Đến nay, trên địa bàn thị xã Đồng Xoài chỉ còn trường THCS Tân Phú thực hiện bán trú. Theo đó, rất nhiều phụ huynh ở nhiều nơi bằng mọi cách xin cho con được học bán trú. Nhu cầu bán trú ngày càng tăng trong khi tỷ lệ tăng dân số cơ học của thị xã mà cụ thể là phường Tân Phú luôn ở mức cao. Áp lực về phòng học, nơi ăn ở... buộc trường phải cắt giảm lớp bán trú và từ năm học này trường sẽ tạm ngưng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo thị xã Đồng Xoài nhận định: “Xây dựng mô hình bán trú sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
 
Thực hiện bán trú bậc THCS phải có cơ sở vật chất đầy đủ. Nơi ăn học của lớp bán trú phải được tách riêng. Trường nào nếu có phòng học, phòng ngủ riêng thì nên làm, làm là tốt. Tuy nhiên, từng trường, tùy điều kiện, khả năng của mình để thực hiện”.

Khó khăn nữa buộc nhà trường phải tạm ngưng mở lớp bán trú là công tác quản lý học sinh. Cô Hường cho biết, quản lý giờ ăn, nghỉ của học sinh bậc THCS rất khó. Ở bậc học này, các em đã lớn. Học sinh khối lớp 7, 8 đã bắt đầu phát triển về tâm sinh lý. Mỗi lớp tuy có một giáo viên quản lý nhưng trường vẫn rất lo. Ngoài ra, sự chậm trễ trong việc thanh toán tiền ăn của một số phụ huynh cũng khiến việc triển khai thực hiện lớp bán trú gặp nhiều khó khăn... Những trở ngại đó đã phần nào làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của trường.

Việc bỏ lớp bán trú sẽ lãng phí bàn ghế, phòng ăn, các thiết bị nội trợ... với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Cô Hường cho biết: “Không thực hiện lớp bán trú nữa, nhà trường rất tiếc. Tiếc công sức của các giáo viên đi trước đã ngày đêm trăn trở thực hiện và khu nhà ăn được xây dựng bài bản do phụ huynh học sinh đóng góp đành bỏ phí”. Cô Hường kiến nghị: “Nếu được đầu tư xây dựng thêm khoảng 8-10 phòng ngủ thì trường vẫn có thể thực hiện bán trú. Để tránh lãng phí tiền đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, trường dự tính tạm nghỉ bán trú một thời gian, nếu phụ huynh nhất trí thì sẽ mở bán trú ở hai khối lớp 6, 7”.

Từ thực tế cho thấy, thực hiện mô hình học bán trú ở bậc THCS là không dễ. Đối với phụ huynh đây là niềm mong mỏi nhưng với giáo viên là không dễ thực hiện. Để duy trì, phát triển mô hình này, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của trường, gia đình học sinh, cần có sự quan tâm, ủng hộ về vật chất và tinh thần của cả cộng đồng. Đặc biệt cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng học tập và sinh hoạt cho các em.

Minh Luận

  • Từ khóa
83347

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu