Thứ 6, 19/04/2024 11:54:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:35, 23/07/2017 GMT+7

Thức ăn đường phố và nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Chủ nhật, 23/07/2017 | 08:35:00 429 lượt xem
BP - Ngày 11-12-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; ngày 9-5-2016 ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề quản lý thức ăn đường phố tại tuyến xã, phường hiện nay vẫn bị buông lỏng.

Thức ăn đường phố thiếu kiểm soát

Đi qua các con đường 20, quốc lộ 14, đường Hùng Vương (Đồng Xoài)... mọi người đều dễ dàng nhìn thấy hàng quà bánh được bày bán hai bên đường và rất nhiều trong số đó thức ăn không được che đậy cẩn thận. Những chiếc bánh chuối chiên, khoai chiên, bánh cam... cứ phơi ra đón nắng, bụi và... ruồi, nhặng.

Còn nhiều quán cơm dọc đường cũng không được che đậy mà thức ăn để ra ngoài tiện cho việc chọn món của thực khách. Theo cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bên cạnh những quán ăn thực hiện rất tốt việc đảm bảo ATVSTP thì một số cơ sở nhỏ lẻ không có giấy tờ thủ tục liên quan về ATVSTP. Người trực tiếp tiếp xúc thực phẩm không đeo khẩu trang, bao tay, tạp dề, mũ chụp tóc. Chủ cơ sở không có kiến thức về an toàn thực phẩm. Khi đoàn giám sát đến cơ sở làm việc họ không hợp tác...

Thức ăn bán trên vỉa hè quốc lộ 14 không được che đậy cẩn thận nên mặc sức gió, bụi và ruồi nhặng bám vào, tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm rất cao

Ông Phan Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Đây chính là mối nguy rất lớn về ATVSTP. Chủ cơ sở thiếu kiến thức lại không tìm hiểu việc kinh doanh của mình cần phải có yêu cầu gì. Họ còn tỏ ra chống đối khi cơ quan chức năng đến kiểm tra. Trường hợp đoàn phát hiện cơ sở sử dụng chất cấm trong thực phẩm thì một số cơ sở có những hành động, lời lẽ khó nghe... Điều này gây nhiều khó khăn cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP, khó đảm bảo chất lượng thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng”.

Vì đâu người kinh doanh không chấp hành ATVSTP?

Ông Phan Thanh Dũng cho biết thêm, hiện các cơ quan chức năng thực hiện giám sát ATVSTP chưa thật sự đồng bộ. Nhân lực quản lý về vấn đề này còn thiếu và yếu. Đặc biệt, những cơ sở do tuyến xã, phường quản lý hầu như không được giám sát chặt chẽ. Người kinh doanh không có kiến thức cơ bản và khi đoàn về kiểm tra thì chống đối...

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở ấp 1A, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) mở quán bán bún, bánh canh từ nhiều năm nay, nhưng khi hỏi về điều kiện để mở quán kinh doanh ăn uống chị chỉ lắc đầu cười trừ... Chúng tôi lại hỏi tiếp việc khám sức khỏe đối với chủ và nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm chị trả lời không biết yêu cầu này vì không có ai hướng dẫn; hợp đồng mua bán thực phẩm lại càng không. Chị Nguyệt cho biết: “Sáng sớm nào tôi cũng ra chợ Đồng Xoài mua thực phẩm về chế biến. Ước bán được bao nhiêu thì mua bấy nhiêu chứ làm gì có chuyện ký kết hợp đồng mua bán. Có vài ký thịt ai lại phải nhiêu khê như thế”.

Một cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh kể: Khi đến giám sát tại một cơ sở bán phở trên đường ĐT741 thuộc phường Tân Đồng (Đồng Xoài), chủ cửa hàng còn nói, tôi buôn bán bao năm nay, mua hàng ở chợ có xảy ra vấn đề gì đâu mà phải kiểm tra. Tôi có buôn thuốc phiện đâu mà tới đây làm khó... Nhưng khi thực hiện test nhanh thực phẩm, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở dùng thực phẩm không đảm bảo. Tuy nhiên, chủ cơ sở vẫn không chịu tiếp đoàn.

Vấn đề ở đây chính là việc tuyên truyền và kiểm tra, giám sát tại xã, phường chưa được triển khai tích cực. Người kinh doanh thực phẩm không hiểu biết dẫn đến không chấp hành các quy định về ATVSTP, đồng thời còn cho rằng cán bộ ATVSTP gây khó dễ.

Cần có giải pháp mạnh

Ông Phan Thanh Dũng cho rằng: “Tình trạng vi phạm ATVSTP hiện vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều tuyến cơ sở chưa quan tâm quản lý an toàn thực phẩm. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Trách nhiệm của người đứng đầu quản lý an toàn thực phẩm cấp cơ sở chưa được nâng cao. Việc tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm mà chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt công tác bảo đảm ATVSTP. Chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm ATVSTP”.

Thời gian qua, ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố chưa được thống kê nhưng việc các bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cũng không loại trừ khả năng này. Thực phẩm không kiểm soát được chất lượng sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, giống nòi con người. Vì vậy cần tăng chế tài xử phạt đối với cơ sở, cá nhân vi phạm; xử lý hình sự trường hợp vi phạm mới đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền dù thực hiện nhiều nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa đề cao đạo đức con người trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Vì lợi nhuận vẫn còn một số hộ kinh doanh, cá nhân đưa thực phẩm bẩn vào thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Do vậy, trong thời gian tới để kiểm soát ATVSTP, cần hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, xa vì lĩnh vực này còn đang bỏ ngỏ. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, trong đó đặc biệt nâng cao trách nhiệm, đạo đức của người sản xuất - kinh doanh gắn với việc tuân thủ pháp luật; nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các nhà quản lý; đẩy mạnh giám sát chặt chẽ để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm ATVSTP...

Tuyết Ly

  • Từ khóa
93322

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu