Thứ 6, 29/03/2024 15:23:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 00:00, 06/10/2011 GMT+7

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 9

Thứ 5, 06/10/2011 | 00:00:00 1,419 lượt xem

“Nóng” với giải ngân vốn và quản lý rừng trồng

Ngày 6-10, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 9 năm 2011. Đây là phiên họp chuyên đề về tình hình thực hiện kế hoạch vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển, thu chi ngân sách, quản lý rừng trồng, quản lý và sử dụng diện tích cao su dành cho quỹ an sinh xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới và đề án hỗ trợ chế độ đặc thù cho người làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu chủ trì phiên họp cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Huy Phong, Bùi Văn Thạch và lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc khối kinh tế, sản xuất, nội vụ và một số ngành liên quan.

Giải ngân chậm - bệnh kinh niên 

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vũ Thành Nam
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vũ Thành Nam cho biết: Đến nay, tiến độ giải ngân vốn ngân sách cho đầu tư phát triển thực hiện rất chậm, đặc biệt là vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu quốc gia... Ở các huyện, thị, không chỉ giải ngân chậm mà còn đầu tư dàn trải.

Các công trình đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước vướng mắc nhiều thủ tục bắt buộc và việc quản lý yếu kém của chủ đầu tư khiến cho chậm triển khai và khó giải ngân là “bệnh kinh niên” từ nhiều năm qua.

Cả năm 2011, kế hoạch giao vốn xây dựng cơ bản toàn tỉnh là 1.054,4 tỷ đồng, hết 9 tháng mới giải ngân được 571,378 tỷ đồng, bằng 54,4%. Trong khi đó, khối lượng thực hiện các công trình cũng chỉ đạt giá trị tương đương 533,517 tỷ đồng. Vốn chương trình mục tiêu quốc gia 198,354 tỷ đồng, mới giải ngân được 23,7%, khối lượng công trình mới đạt 30,3%. Riêng chương trình nông thôn mới, kế hoạch giao 59,548 tỷ đồng, mới giải ngân được 5,3 tỷ đồng. Vốn từ trái phiếu chính phủ 142 tỷ đồng (gồm trái phiếu giáo dục, trái phiếu thủy lợi, trái phiếu y tế, trái phiếu giao thông) giải ngân cũng đạt rất thấp, phần nhiều dưới 20%, thậm chí đến nay chưa giải ngân.

Phân cấp quản lý, đối với công trình vốn cấp tỉnh làm chủ đầu tư, chậm nhất là Sở Giao thông - Vận tải, được giao 67,119 tỷ đồng, giải ngân chỉ đạt 25,2%. Tiếp đến là Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn được giao 116,950 tỷ đồng, giải ngân chỉ đạt 41,4%; Sở Giáo dục - Đào tạo được giao 38,850 tỷ đồng, giải ngân được 60,9%. Ban quản lý các khu kinh tế được giao 32,7 tỷ đồng, giải ngân 69,6%...

Cấp UBND các huyện, thị xã làm chủ đầu tư (do UBND tỉnh giao) tổng vốn 238,23 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được 12,4%. Trong số đó, vốn giao UBND thị xã Đồng Xoài, UBND huyện Hớn Quản làm chủ đầu tư đến nay chưa giải ngân; UBND huyện Chơn Thành giải ngân được 1,5%, UBND huyện Lộc Ninh giải ngân đạt 12,6%, thị xã Phước Long đạt 16,3%.

“Anh nào làm chậm, thay anh đó”!

Đến thời điểm hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012 là 877,1 tỷ đồng (thấp hơn 177,3 tỷ đồng so với năm 2011), trong đó đối với ngân sách địa phương 255 tỷ đồng, nguồn thu từ xổ số kiến thiết và giáo dục - đào tạo 160 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 225 tỷ đồng, hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách Trung ương 237,1 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu

Bức xúc trước thực trạng giải ngân vốn chậm, Chủ tịch Trương Tấn Thiệu chỉ đạo tại phiên họp: Nhiều tỉnh, thành đã thực hiện việc “anh nào” làm không được, làm chậm thì thay “anh đó”, chuyển công tác khác. Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng năm nào cũng chậm giải ngân như vậy, tỉnh sẽ kiên quyết thực hiện. Ai không làm được thì tự xin nghỉ hoặc cho nghỉ hoặc chuyển công tác khác.

Về tình hình quản lý rừng trồng, sau khi Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trần Văn Lộc cho biết số liệu báo cáo diện tích rừng trồng hiện nay (1.341,31 ha) là diện tích được thống kê từ… cuối năm 2008, đầu 2009, nhiều đại biểu dự họp cùng có quan điểm: Không biết bây giờ rừng đó có còn là rừng không! Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu chỉ đạo: Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phải làm rõ được hiện nay diện tích thực tế rừng trồng còn bao nhiêu, giao khoán cho ai, có quản lý tốt hay không, rừng giao khoán có thực hiện đúng hợp đồng không… Nếu không đúng hợp đồng, quản lý không tốt thì thu hồi lại. Đây là cơ sở để tỉnh quản lý, quy hoạch cho chính xác.

Đối với quản lý và sử dụng diện tích cao su dành cho quỹ an sinh xã hội, các phương án đề xuất của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chủ tịch Trương Tấn Thiệu cho rằng đều không đem lại hiệu quả cao nhất, khó quản lý và phải xây dựng lại theo hướng thành lập một hội đồng quản lý, trong đó có lãnh đạo tỉnh, địa phương, mặt trận đoàn thể, ngành chức năng. Diện tích 10% của các dự án có đất dành cho quỹ an sinh xã hội, sẽ để các chủ dự án quản lý, khai thác và nộp lợi nhuận về quỹ.

Với đề án hỗ trợ chế độ đặc thù cho người làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh đều có ý kiến và đưa ra phương án giải quyết, song phải xin ý kiến Ban thường vụ tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh xem xét.

9 tháng, thu ngân sách 2.439 tỷ đồng

Theo thống kê của Sở Tài chính, quý III thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.443 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng năm 2011 đạt 2.439 tỷ đồng, so với kế hoạch cả năm tương đương 110% dự toán Bộ Tài chính giao, 80% dự toán điều chỉnh của HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, thu nội địa thường xuyên đạt 1.978 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 171 tỷ đồng, các khoản ghi thu 291 tỷ đồng.

Chi ngân sách quý III là 2.118 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 3.080 tỷ đồng, so với cả năm tương đương 106% dự toán Bộ Tài chính giao, 70% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua.

Việc thu ngân sách 3 quý đã đạt 80% dự toán cả năm là do tình hình kinh tế có chiều hướng thuận lợi, trong đó đáng chú ý là giá các mặt hàng nông sản (đặc biệt là giá mủ cao su) trên thế giới và trong nước tiếp tục ổn định, thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực, từ đó các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có điều kiện tập trung nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu mới và ổn định cho ngân sách Nhà nước.


Trần Phương

Ảnh bìa: Việc giải ngân vốn ngân sách chậm dẫn đến công trình xây dựng chậm hoàn thành

  • Từ khóa
3771

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu