Thứ 7, 20/04/2024 14:28:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:27, 02/03/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Thừa kế và quyền từ chối thừa kế

Thứ 2, 02/03/2015 | 08:27:00 2,018 lượt xem
BP - Qua tìm hiểu và nghiên cứu nội dung của những quy định trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, nhất là về phần thừa kế theo di chúc, dưới đây tôi đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện những quy định của pháp luật về chế định này. Cụ thể là về tên gọi của chế định này được quy định tại các điều thuộc Chương XXI, tức là từ Điều 647 đến Điều 674 trong dự thảo và cũng như trong Bộ luật Dân sự hiện hành (từ Điều 646 đến Điều 673) cùng có tên gọi chung là “Thừa kế theo di chúc”.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì tên gọi của chế định này như trên là không chuẩn xác, thiếu hợp lý. Vì tất cả các điều luật trong chế định này chỉ quy định về di chúc, người lập di chúc, điều kiện, hình thức, thời điểm có hiệu lực, công bố di chúc... việc thanh toán và phân chia di sản thừa kế theo di chúc được các nhà soạn luật bố trí tại Chương XXI trước chế định “Thừa kế theo pháp luật”. Như vậy, giữa tên gọi của chế định và nội dung thể hiện các điều luật trong đó vừa không thống nhất vừa khiếm khuyết. Chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sung tên gọi của chế định như sau: “Di chúc và thừa kế theo di chúc” mới đúng theo trình tự, đồng thời bố trí các điều quy định về phân chia di sản theo di chúc tại Chương XXII vào chế định này.

Nội dung thứ hai tôi muốn góp ý ở phần này là về quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế, tại Điều 643 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: 1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. 2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải gửi văn bản từ chối nhận di sản cho người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm mở thừa kế. 3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, với quy định như trên đã khắc phục được tính không phù hợp cũng như thiếu tôn trọng quyền định đoạt của người thừa kế, đặc biệt là tính không phù hợp về thời hạn (thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế). Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thẩm quyền xác nhận bản di chúc thì không nên quy định nội dung “tổ chức hành nghề công chứng” trong điều luật này. Bởi vì Luật công chứng số 82/2006/QH11 ngày 29-11-2006 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày ban hành 18-5-2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã phân cấp rõ ràng thẩm quyền công chứng và chứng thực. Vì vậy, tôi đề xuất đây là nội dung cần phải được chỉnh sửa trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất về thẩm quyền công chứng vào văn bản hợp đồng dân sự, về giao dịch dân sự, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực.              

Gia Bảo

  • Từ khóa
12632

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu