Thứ 6, 29/03/2024 05:39:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:10, 20/09/2017 GMT+7

Thu tiền triệu từ cho thuê không gian chụp ảnh

Thứ 4, 20/09/2017 | 14:10:00 805 lượt xem
BP - “Ở đây (Phước Long - PV) khung cảnh giống miền Tây, rất lãng mạn và phù hợp cho những bức ảnh, lăng hình cổ điển (áo dài, khăn đóng, áo bà ba). Vì thế, dù ở xa, chúng tôi vẫn thường lên đây chụp hình ngoại cảnh hay quay clip cho các cặp cô dâu chú rể, mẫu ảnh, quảng cáo sản phẩm” - anh Nguyễn Quốc Tuấn, chủ Studio cưới Chính ở thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) cho biết.

Đó là ao sen làm dịch vụ cho thuê không gian chụp ảnh của vợ chồng cụ Nguyễn Thị Tỷ (82 tuổi) ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang (Phước Long).

Đi trước, đón đầu

Những ngày đầu lập nghiệp tại Bình Phước, với số tiền dành dụm được, vợ chồng cụ Tỷ mua 1,6 ha đất ruộng ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang dựng căn nhà gỗ làm nơi che nắng, che mưa cho gia đình 9 người. Sinh ra và lớn lên ở miền Tây nên cụ Tỷ chỉ biết chọn cây lúa để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng đầu tư nhiều công sức, thời gian chăm sóc mà thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống và lo cho 7 người con ăn học. Để cải thiện kinh tế gia đình, cụ vay hàng trăm triệu đồng thuê máy múc đào 5 ao với diện tích 2.000m2 và mua cá giống về thả. Cụ còn trồng thêm 2 sào dừa nước lấy bóng mát và bán trái cho các quán giải khát để tăng thu nhập.

Nhân viên Studio cưới Chính ở thị trấn Đức Phong chụp ảnh cưới tại ao sen của gia đình cụ Nguyễn Thị Tỷ

Trong khi mô hình kinh tế đang làm cần đầu tư nhiều công sức, chi phí, kiến thức... còn sức khỏe của cụ và chồng (bị bệnh suy thận) ngày càng đi xuống. Sau những chuyến về quê tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế từ trồng sen, một lần nữa, cụ quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên thửa đất của gia đình. Cụ Tỷ cho biết: “Bắt đầu chỉ là 2 gốc sen mang ở quê lên trồng tại một góc ao cá trong vườn để vừa đỡ nhớ quê vừa thử nghiệm xem sen có thích hợp với môi trường ruộng nước hay không. Thấy sen bén rễ, phát triển nhanh nên tôi đã thay thế hoàn toàn 5 ao cá thành 5 ao sen”.

“Mới đầu trồng sen, tôi chỉ nghĩ đến bán hoa sen phục vụ nhu cầu thờ cúng và lấy hạt bán. Thu nhập từ việc bán hoa hằng tháng khoảng 600 ngàn đồng cộng với nguồn thu từ hạt sen và dừa đã cho gia đình cuộc sống ổn định. May mắn là khung cảnh nơi gia đình sống hữu tình do gần chân núi Bà Rá, đầm sen được bao quanh bởi những rặng dừa rợp bóng mát. Không gian trong lành lại có một ngôi nhà gỗ đơn sơ với những vật dụng đơn giản, cũ kỹ của vợ chồng tôi hấp dẫn nhiều nhóm trẻ, chủ studio. Người này giới thiệu cho người kia, số người đến thưởng thức cảnh đẹp ngày càng đông. Từ nhu cầu chụp hình ngày càng cao của giới trẻ, nhất là các studio ảnh cưới, tôi mạnh dạn chuyển sang dịch vụ cho thuê không gian chụp ảnh, đến nay cũng được 5 năm rồi” - cụ Tỷ kể.

Đầu tư ít, thu nhập cao

“Khi chuyển sang dịch vụ cho thuê không gian phục vụ hoạt động quay phim, chụp ảnh, tôi đầu tư thêm các hạng mục theo phong cách cổ điển. Vì thế, mỗi ao có một khung cảnh khác nhau. Có ao làm cây cầu bắc ra giữa, ao khác có thuyền nhỏ để chèo ra giữa ao lấy không gian chụp ảnh đẹp hơn và thuê thợ tạo những tảng đá nổi giữa lòng ao sen. Vợ chồng tôi giữ nguyên căn nhà gỗ để tạo khung cảnh cổ xưa” - cụ Tỷ nói. 

Mới nhìn vào thì ai cũng thấy khung cảnh ở đây rất tự nhiên, bởi những vật dụng bài trí như lưới thả cá, xích đu, những chiếc xe đạp cũ được để “một cách vô tổ chức” ở góc vườn hay gốc dừa. Thực ra, đó là ý đồ của chủ nhà nhằm tạo không gian đẹp tự nhiên, thu hút nhiều khách hàng ở mọi lứa tuổi đến tham quan. Đây còn là một trong 5 điểm đến đẹp nhất ở thị xã Phước Long mà các bạn trẻ hay studio lựa chọn để tạo những bức ảnh, cảnh quay đẹp. 

“Về chụp ảnh cưới, bình quân mỗi ngày gia đình đón 7 đoàn ở trong và ngoài tỉnh, còn ngày tốt, cuối tuần nhiều hơn. Mỗi đoàn chụp ảnh cưới, tôi thu 60 ngàn đồng. Sinh viên, học sinh đến rất nhiều, tôi chỉ thu vé một lượt 10 ngàn đồng/người và không giới hạn thời gian, tạo điều kiện cho mọi người sáng tạo và có môi trường vui chơi lành mạnh. Mỗi ngày, tôi thu bình quân khoảng 1 triệu đồng, chưa kể khoản thu từ bán nước giải khát. Hiện mô hình phát triển kinh tế tổng hợp trên diện tích 1,6 ha của gia đình không chỉ giúp vợ chồng tôi và các con có cuộc sống ổn định mà còn có dư hàng trăm triệu đồng mỗi năm” - cụ Tỷ cho hay. Em Đỗ Thị Phi Yến ở thôn Phú Thịnh (Phú Riềng) cho biết: Đến với điểm chụp hình của gia đình cụ Tỷ, cả nhóm bạn em vừa có một buổi dã ngoại tuyệt vời với không gian đẹp, thoải mái, vừa có những bức hình độc và lạ.

Hài lòng với cách làm kinh tế hiện tại, cụ Tỷ nói: “Để tạo ra nhiều khung cảnh đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách hàng, sắp tới tôi sẽ làm thêm ruộng lúa, chòi lá, cầu khỉ... Sen là loại cây trồng phù hợp với nhà nghèo, không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng vẫn phát triển tốt và cho thu nhập năm, bảy đường” - cụ Tỷ vui vẻ nói.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
38438

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu