Thứ 3, 23/04/2024 17:19:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:32, 27/03/2019 GMT+7

Thủ phủ tiền tiêu

Thứ 4, 27/03/2019 | 06:32:00 277 lượt xem

BP - Đảo Trường Sa hay còn gọi là Trường Sa Lớn ở tọa độ 08038’30’’ vĩ độ Bắc, 111050’55’’ kinh độ Đông. Đảo Trường Sa cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý (470,4km) và cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển. Đảo có dạng hình tam giác vuông với cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Theo tài liệu của Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam, đảo này dài 630m, rộng tối đa 300m và có diện tích phần nổi khoảng 34,5 ha. Bề mặt đảo cao khoảng 3,4-5m so với mực nước biển khi thủy triều xuống thấp nhất. Vành san hô bao quanh đảo cũng nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống.

Thủy triều ở khu vực này tuân theo chế độ nhật triều. Khí hậu ở đảo Trường Sa mang nét đặc trưng của quần đảo Trường Sa với mùa hè mát và mùa đông ấm. Từ tháng 2 đến tháng 5 là mùa khô; từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau là mùa mưa. Trong mùa khô, nhiệt độ cao được duy trì từ 4 giờ 30 phút đến 19 giờ, nhưng sóng yên biển lặng. Vào mùa mưa, nhiệt độ trong ngày thấp hơn nhưng giông bão thường xuyên xảy ra. Đây là một đảo lớn trên quần đảo Trường Sa, có UBND xã và các hộ dân sinh sống. Năm 2007, thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa và các đảo, đá, bãi phụ cận thuộc cụm Trường Sa và cụm đảo An Bang, Thuyền Chài... Đảo có âu tàu, làng chài để ngư dân ta đánh bắt hải sản có thể vào tránh trú bão, được trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng xử trí khi có tình huống xảy ra (âu tàu có thể neo được trên 90 tàu cá của ngư dân). Trên đảo có đường băng, nhà ga hàng không cho máy bay có thể lên xuống thuận tiện đưa đón các đoàn công tác, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Đền thờ Bác Hồ - Ảnh: N.V

Đảo Trường Sa có giếng nước lợ có thể dùng để tắm giặt và tưới cây. Thực vật nơi đây chủ yếu là cây bàng vuông, muống biển, phi lao, phong ba, tra, xương rồng và một số loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim nhưng sinh trưởng và phát triển kém do khí hậu khắc nghiệt. Người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn trồng thêm chuối, đu đủ, ớt và nhiều loại rau xanh, rau gia vị và nuôi hàng trăm con chó, heo cùng nhiều loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng. Điều đáng ghi nhận là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã thuần dưỡng được các loại cây ăn trái, rau xanh và nhất là gia súc, gia cầm quen sống trong môi trường nước lợ.

Trên đảo có đường băng được xây dựng mới với tiêu chuẩn sân bay cấp ba, cho phép các loại máy bay cánh bằng chở khách hạ và cất cánh. Đường băng và sân đỗ máy bay mới có 3 lớp kết cấu gồm lớp nền móng tạo phẳng được lu lèn chặt, lớp móng gia cố xi măng và lớp bê tông xi măng cường độ cao dày 25cm. Nhà ga hàng không trên đảo được xây dựng khá khang trang, thoáng, rộng. Cảng cá trên đảo được định hướng tới năm 2020 sẽ đón tàu có công suất tối đa 1.000CV, phục vụ 90 lượt tàu cá/ngày và tổng lượng thủy sản lưu thông qua cảng là 10.000 tấn/năm. Điện năng sử dụng cho mọi hoạt động trên đảo được lấy từ hệ thống pin mặt trời và tua-bin gió.

Trên đảo có Trạm khí tượng hải văn Trường Sa là một bộ phận của Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ. Trạm được xây dựng từ năm 1977, đây là một trong 26 trạm phát báo quốc tế với số hiệu 48920 do Tổ chức Khí tượng thế giới cấp. Nhân viên của trạm thường ngày chịu trách nhiệm đo đạc và xử lý các thông số 8 lần rồi báo về đất liền theo tần suất 3 giờ/lần (đối với những ngày bình thường) hoặc 30 phút/lần (đối với những ngày thời tiết bất thường) và phải liên lạc liên tục từ 1-22 giờ mỗi ngày.

Trạm xá đảo Trường Sa là trạm cấp 1 với các trang thiết bị y tế khá hiện đại, như thiết bị khám cơ bản, siêu âm, điện tâm đồ, máy thở... Trên đảo có trường tiểu học cao 2 tầng, với diện tích trên 200m², gồm 2 phòng học, 1 phòng công vụ, 1 phòng vui chơi và 1 phòng thư viện. Trường tiểu học được khánh thành tháng 4-2013. Ngoài ra, đảo còn có hải đăng, trung tâm cứu hộ - cứu nạn, chùa, tượng đài liệt sĩ, chòi đá (cao 5,5m ở mũi phía Nam đảo). Chùa Trường Sa Lớn nằm trong khuôn viên khá rộng và uy nghiêm, là điểm tựa tâm linh của quân - dân huyện đảo, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, hòa bình hữu nghị. Tượng đài liệt sĩ Trường Sa là nơi đời đời ghi ơn các anh hùng - những người đã ngã xuống để bảo vệ Trường Sa, là biểu tượng văn hóa tâm linh cao nhất, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các linh hồn bất tử, là điểm hội tụ sẻ chia tình cảm của quân, dân cả nước mỗi lần đến Trường Sa. Đặc biệt, trên đảo có Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Vào những ngày trọng đại như Quốc khánh, sinh nhật Bác hay dịp lễ, tết, mọi người lại tề tựu về đây để được thắp nén nhang dâng lên Bác. Mỗi lần lập công, các chiến sĩ lại đến đây để báo công, xứng đáng với lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Quân chủng Hải quân năm 1961: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: N.V

Và chính điều kiện này đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ năm 1995 của Viện Khảo cổ học Việt Nam là căn cứ lịch sử và pháp lý đanh thép để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khảo cổ học đã điều tra khảo cổ quần đảo Trường Sa vào năm 1993-1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca vào năm 1999. Các đảo khác đều được điều tra và thu lượm hiện vật trên mặt. Tổng số hiện vật thu được trong các đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498. Trong đó, gốm thô 33 hiện vật, chiếm 6,62%; đồ gốm sứ các loại 236 hiện vật, chiếm 48%; đồ sành 212 hiện vật, chiếm 42,57%; mũi ngói 1 hiện vật, chiếm 0,2% và tiền kim loại thời Nguyễn (Minh Mạng, Tự Đức) 16 đồng, chiếm 3,21%. Từ những tư liệu khảo cổ học thu được, chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đảo Trường Sa được giải phóng ngày 29-4-1975. Trải qua hơn 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, quân, dân và các lực lượng trên đảo đã lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1985, đảo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2011, đảo được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Nhiều năm được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng cờ, đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua trong nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy... Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo thường xuyên quán triệt và chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, duy trì nghiêm chế độ trực ở các cấp, tổ chức quan sát, canh gác chặt chẽ, xử lý đúng đối sách, không bị bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, hoàn thành nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện năm, kết quả kiểm tra các nội dung đạt khá và giỏi. 100% cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng công tác trên đảo có phẩm chất chính trị vững vàng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, công tác hậu cần và dân vận cũng được cán bộ, chiến sĩ trên đảo đặc biệt quan tâm. Trong năm 2018, quân và dân trên đảo đã khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết, tích cực chủ động tăng gia, chăn nuôi, khai thác hải sản, tự túc được rau xanh, với tổng trị giá 414,5 triệu đồng. Cũng trong năm 2018, bệnh viện trên đảo đã tổ chức khám bệnh, điều trị cho 2.453 ca, trong đó 360 ca quân nhân, 126 ca dân, ngư dân 189 ca, công nhân 1.778 ca; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho 263 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản, giúp đỡ ngư dân nước ngọt, gạo, nhu yếu phẩm khi tàu cá ngư dân vào âu tránh bão. Tất cả hoạt động nêu trên để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về mối quan hệ quân, dân.

Khi chia tay, Đại tá Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa đã khẳng định với chúng tôi: Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn quyết tâm xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực trong quan hệ quân dân” và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

N.M

  • Từ khóa
111381

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu