Thứ 3, 16/04/2024 14:13:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:24, 07/07/2018 GMT+7

Hết thời xuyên tạc

Thứ 7, 07/07/2018 | 09:24:00 162 lượt xem
BP - Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5. Cụ thể, gồm các luật: Quốc phòng, Cạnh tranh, Tố cáo, An ninh mạng, Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch... đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành cũng là thời điểm chấm hết việc các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá nước ta.

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Luật quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, luật này nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người khác chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới... Nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Luật cũng đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an ninh mạng và phối hợp với cơ quan chức năng trong xử lý hành vi vi phạm...

Thời gian qua, tình trạng người sử dụng mạng ở nước ta có nhiều vấn đề phải bàn. Bên cạnh đó, thông tin trên mạng hầu hết không được kiểm chứng. Những phần tử xấu và thế lực phản động, thù địch đã sử dụng không gian mạng để xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; vu khống chính quyền các cấp và kích động người dân chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước. Chúng lập ra các trang mạng xã hội mạo danh những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước... để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lẫn nhau làm tổn hại đến danh dự, nhân cách của cá nhân, tổ chức, tạo tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, thế lực phản động còn lợi dụng việc phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để kích động người dân ở một số địa phương. Tại Bình Phước, một số người vì thiếu hiểu biết nên đã mắc mưu thế lực phản động khi lên mạng xã hội để bình luận, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng. Một số cá nhân ở tỉnh ta sử dụng mạng xã hội chưa đúng mục đích, phát tán các thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Vì vậy, sau khi Quốc hội thống nhất thông qua Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch đã ra sức chống phá, kích động biểu tình, lái dư luận sang chiều hướng khác với các luận điệu như nhà nước “cấm sử dụng Facebook, Google”...  gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân về an ninh mạng.

Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành thì các thế lực phản động sẽ không còn đất để xuyên tạc sự thật, không còn thời cơ để chống phá nước ta bằng không gian mạng. Vì Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng và rất cần thiết để góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, đặc biệt là bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng của an ninh quốc gia ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu