Thứ 6, 29/03/2024 12:26:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:12, 18/06/2017 GMT+7

Thủ lĩnh đoàn với nhiều dự định tâm huyết

Chủ nhật, 18/06/2017 | 08:12:00 185 lượt xem
BP - Huyện Bù Đăng cách xa trung tâm tỉnh lỵ nên điều kiện kinh tế, văn hóa còn nhiều khó khăn. Theo đó, tuổi trẻ của huyện khó tiếp cận khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Với vai trò là thủ lĩnh đoàn thanh niên, Bí thư Huyện đoàn Bù Đăng Điểu Khuê luôn trăn trở với những khó khăn thanh niên huyện nhà đang gặp.

THỦ LĨNH MỚI

Anh Điểu Khuê sinh năm 1987, dân tộc Mơnông, sống tại thôn 6, xã Đồng Nai. Đây cũng là xã có đông thành phần dân tộc nhất của huyện Bù Đăng. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, anh học Khoa Văn hóa dân tộc Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Phát huy sở trường, tính năng động, nhiệt huyết, trong 4 năm đại học, anh tham gia ban chấp hành chi đoàn lớp, ban chấp hành hội sinh viên và là cây văn nghệ của trường. Năm 2010, tân cử nhân Điểu Khuê trở về huyện Bù Đăng để đóng góp công sức phát triển huyện nhà. Từ năm 2010-2015, anh là chuyên viên phụ trách lĩnh vực dân tộc Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. 5 năm làm việc ở đây, anh không ngại khó, ngại khổ đi tìm những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đó là từng đường dệt thổ cẩm, những làn điệu dân ca, sưu tầm và xây dựng mô hình hoạt động của các đội cồng, chiêng, kèn bầu cũng như các nhạc cụ truyền thống dân tộc.

Anh Điểu Khuê (bìa trái) hiện là Bí thư Huyện đoàn người DTTS duy nhất của tỉnh

Năm 2016, anh trúng cử đại biểu HĐND huyện và chuyển sang làm Phó ban chuyên trách Ban Dân tộc HĐND huyện Bù Đăng. Với chức năng giám sát, anh luôn trăn trở với các chương trình chính sách như 33, 134... được các cơ quan chức năng thực hiện như thế nào trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Anh không ngần ngại đi cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS, sau đó tham mưu lãnh đạo về những tồn tại, hạn chế trong cuộc sống của đồng bào. Tháng 5-2017, anh được điều động giữ chức Bí thư Huyện đoàn Bù Đăng.

Anh Điểu Khuê cho biết: Trong thời gian công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin hay Ban Dân tộc HĐND huyện, tôi đều được phân công phụ trách mảng dân tộc. Vì thế, tôi có nhiều thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào trong huyện. Đặc biệt là những ý kiến về tập hợp thanh niên DTTS, tìm hướng để thanh niên tự ý thức vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tìm kiếm các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả cao để nhân rộng trong vùng đồng bào DTTS. Tôi đang làm quen với công việc mới, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước với quyết tâm đưa công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ngày càng phát triển, thiết thực, ý nghĩa.

NHIỀU DỰ ĐỊNH

Sinh ra, lớn lên và làm việc nơi chôn nhau cắt rốn nên anh Điểu Khuê có nhiều lợi thế khi tìm hiểu về đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS. Mặc dù trình độ dân trí đã được nâng lên nhưng phần đông thanh niên, đặc biệt là thanh niên DTTS vẫn chưa mặn mà với tổ chức đoàn. Đa phần thanh niên còn thụ động, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Phong trào đoàn, nhất là ở vùng sâu, xa chưa có nhiều đổi mới nên khó thu hút tập hợp thanh niên tham gia. 

Với trọng trách là thủ lĩnh của tuổi trẻ toàn huyện, 2 vấn đề anh quan tâm nhất hiện nay là: Làm sao để thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên DTTS hòa nhập với cộng đồng văn hóa khác nhưng vẫn giữ được nét riêng, bản sắc dân tộc của mình. Thứ hai là xây dựng các mô hình kinh tế có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm thay đổi tập quán canh tác của thanh niên nông thôn. Trên cơ sở các mô hình bảo tồn văn hóa đang có, anh sẽ phối hợp với các ban, ngành hữu quan phát triển và nhân rộng đội thanh niên đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đàn tính, hát then... Các mô hình văn hóa này không chỉ phục vụ nhu cầu nhân dân trong huyện mà còn phục vụ du khách khi đến với vùng sơn cước Bù Đăng. Giải pháp để thay đổi tập tục canh tác, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS trước hết cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Mô hình kinh tế phải phù hợp trình độ, thổ nhưỡng cũng như điều kiện kinh tế của đoàn viên thanh niên. Thông qua các mô hình kinh tế chất lượng cao sẽ gắn kết, giúp thanh niên làm chủ khoa học - kỹ thuật để vươn lên trong cuộc sống. Khi ấy việc tập hợp, đoàn kết thanh niên nông thôn sẽ thuận lợi hơn, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến thanh niên nông thôn sẽ dễ dàng hơn.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng kinh nghiệm đã tích lũy qua các vị trí công tác, tin tưởng những dự định của anh Điểu Khuê sẽ sớm trở thành hiện thực và lan tỏa trong tuổi trẻ huyện Bù Đăng.

Thanh Nga

  • Từ khóa
81896

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu