Thứ 6, 29/03/2024 19:20:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:50, 23/01/2018 GMT+7

Thu hút hiền tài

Thứ 3, 23/01/2018 | 13:50:00 144 lượt xem

BP - Từ ngày 20-1-2018, chính sách mới thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5-12-2017 có hiệu lực thi hành.

Nghị định số 140/NĐ-CP quy định, có 3 đối tượng sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào hệ thống chính trị, gồm sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II. Bên cạnh điều kiện bằng cấp, còn có các tiêu chuẩn đi kèm. Nghị định cũng quy định chi tiết chế độ ưu đãi đối với người được tuyển dụng và cả biện pháp chế tài, như trong 3 năm có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực hoặc trong 2 năm có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác, 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ cho thôi việc...

Việc tuyển chọn, sử dụng nhân tài đã có từ khi có xã hội loài người và ở mọi quốc gia, dân tộc chứ không chỉ riêng ở nước ta. Trọng dụng nhân tài, coi nhân tài là rường cột đất nước cũng đã có từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Thời Lê sơ, đầu thế kỷ XV, Bộ luật Hồng Đức đã quy định địa phương nào có người tài mà giấu vua thì quan phụ trách sẽ bị trị tội. Năm 1884, trên bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu, danh sĩ Thân Nhân Trung đã viết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”...

Chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao không phải là câu chuyện mới, song nó chưa bao giờ cũ. Thậm chí, chính sách ưu đãi theo Nghị định số 140/NĐ-CP còn thấp hơn nhiều so với chính sách của một số tỉnh, thành phố đã thực hiện từ nhiều năm trước. Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị của hầu hết địa phương đều không đạt được mục tiêu đề ra và hiệu quả thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân. Chính sách ưu đãi chưa thu hút nhiều nhân tài vào khu vực công làm việc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế này. Trong số đó có nguyên nhân từ hệ thống đào tạo, chế độ tiền lương và cơ chế quản lý hiện nay. Tình trạng học giả bằng thật, chạy theo bằng cấp, chạy theo hình thức, đua nhau vào các “lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ; dễ dãi trong đào tạo đại học... đã dẫn tới có rất nhiều “hiền tài” trên bằng cấp nhưng năng lực thật sự thì không nổi trội, thấp hơn mặt bằng chung, thậm chí nếu làm việc ở trình độ đặt ra với người tài thì trở nên vô dụng. Đó là một trong những lý do hiền tài dỏm thường lẩn khuất đâu đó trong cơ quan nhà nước chờ cơ hội trục lợi, còn hiền tài thật thì mục tiêu đặt ra đầu tiên là tìm một môi trường làm việc phát huy được khả năng của mình.

Đối với cơ chế quản lý hiện nay và chính sách đãi ngộ theo Nghị định số 140/NĐ-CP mức cao nhất cũng chỉ được hưởng phụ cấp bằng 100% lương bậc 1, rất khó thu hút được người có trình độ thật sự. Bên cạnh đó, nếu có thêm những rào cản vô hình như quan niệm lão làng phải là bề trên so với người nhỏ tuổi hơn, cấp dưới lương phải thấp hơn cấp trên, hay thái độ kẻ cả của lãnh đạo, đố kỵ của đồng nghiệp... thì hiền tài thật, cho dù có tâm huyết muốn cống hiến, sớm muộn cũng phải cuốn gói ra đi hoặc hòa tan trong guồng máy ấy.

Không ít nguyên nhân dẫn tới chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, song chỉ khi giải quyết được những vấn đề đã nêu, việc thu hút hiền tài mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Trần Phương

  • Từ khóa
108800

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu