Thứ 5, 25/04/2024 22:33:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:30, 28/11/2013 GMT+7

Thu hồi đất phải được bồi thường theo đúng quy định

Thứ 5, 28/11/2013 | 15:30:00 1,430 lượt xem

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có nhiều ý kiến quan trọng đóng góp vào công tác lập pháp của Quốc hội, trong đó có Luật Đất đai, dự kiến được thông qua vào cuối tuần này. Báo Bình Phước xin giới thiệu ý kiến đóng góp của đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

CHỈ THU HỒI ĐẤT TRONG TRƯỜNG HỢP THẬT CẦN THIẾT

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Mục 3, Điều 54 có nêu rõ: Nhà nước thu hồi đất của tổ chức, cá nhân sử dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Luật Đất đai lần này phải có nhiệm vụ thể hiện đầy đủ tinh thần và ý nghĩa quy định của Hiến pháp. Qua nghiên cứu Chương VI của dự thảo Luật Đất đai, tôi nhận thấy Ban soạn thảo đã đề ra nhiều quy định rất cụ thể, tất cả các trường hợp bị thu hồi đất, trình tự, thủ tục tiến hành thu hồi đất nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hồi đất. Song tôi thấy còn thiếu các quy định là chỉ thu hồi trong trường hợp thật cần thiết, như vậy thì việc thu hồi đất phải thỏa mãn 2 điều kiện: Một là phù hợp với quy định của pháp luật và hai là phải thật cần thiết.


Đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu tại kỳ họp thứ sáu

Khi thảo luận về Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu ý kiến là Quốc hội và HĐND tỉnh xem xét quyết định tính chất thật cần thiết trước khi quyết định thu hồi đất, nhưng không ghi trong Hiến pháp mà sẽ được thể hiện trong Luật Đất đai. Cho nên thảo luận về Luật Đất đai với tinh thần đó, tôi đề nghị tại Điểm 2, Điều 62 cần phải quy định tất cả các trường hợp thu hồi đất tại Điểm 1 của Điều 62 đều phải được thông qua Quốc hội hoặc HĐND cấp tỉnh, nhằm xem xét tính thật cần thiết khi quyết định thu hồi đất, trong dự thảo chỉ ghi yêu cầu là thông qua Quốc hội ở Điểm a, thông qua HĐND tỉnh ở Điểm g, Điểm h, còn lại các Điểm b, c, d, e không quy định thông qua Quốc hội và HĐND tỉnh và cũng không thông qua cơ quan nào mà chỉ để Chính phủ chấp thuận. Quy định như vậy theo tôi là không đầy đủ, còn mang tính chất chủ quan của cơ quan soạn thảo và thiếu cơ sở lý luận, thực tiễn.

THỰC HIỆN QUYỀN DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN

Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng cũng cần phải được hiểu cụ thể hơn, theo tôi thì Chính phủ sẽ làm đại diện chủ sở hữu về quyền quản lý hành chính đất đai, còn quyền quyết định các vấn đề quan trọng của chủ sở hữu thì cần phải giao cho Quốc hội và HĐND để xem xét quyết định. Đây chính là nơi người dân thực hiện quyền dân chủ của mình. Có như vậy thì quan điểm chủ sở hữu toàn dân mới có ý nghĩa thực tiễn và thiết thực hơn. Hơn nữa khi xem xét thông qua quyết định thu hồi đất thì Quốc hội và HĐND phải xem xét các phương án thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định canh, tái định cư để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người sử dụng đất. Tôi nghĩ đây cũng là một hình thức giám sát có hiệu quả nhất của Quốc hội và HĐND, giám sát trực tiếp trước khi thực hiện quyết định thu hồi đất.

Tôi đề nghị trong dự thảo cần bổ sung thêm quy định yêu cầu về nội dung mà Chính phủ và UBND trình Quốc hội và HĐND quy định rõ để khắc phục tình trạng thông qua một cách hình thức, không rõ về nội dung và quyết định của Quốc hội cũng như HĐND để đảm bảo thực hiện được nghiêm túc hơn.

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHẢI THÔNG QUA QUỐC HỘI VÀ HĐND

Vấn đề thứ hai, liên quan đến thu hồi đất là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tôi cơ bản nhất trí với quy định tại Điểm 3, Điều 49 của dự thảo về kế hoạch sử dụng đất sau 3 năm mà không có quyết định thu hồi thì phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh. Tôi nghĩ đây là một quy định rất cần thiết, rất tích cực của dự thảo luật lần này và sẽ hạn chế được quy hoạch treo. Tôi đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn nữa là chỉ được điều chỉnh 1 lần và thời gian thực hiện điều chỉnh không quá 6 tháng, không được điều chỉnh về quy mô, mở rộng diện tích thu hồi, quy định thẩm quyền điều chỉnh là phải thông qua Quốc hội và HĐND, có vẻ dài dòng, khó khăn nhưng phải có quy định này. Bởi vì thực tế đây là điểm rất dễ bị lách luật, rất dễ bị lợi ích nhóm chi phối. Thực tế có những dự án sau vài lần điều chỉnh gần như đã thay đổi cơ bản dự án mà quyết định của điều chỉnh dự án này cũng chỉ là một cá nhân hoặc có thể chỉ là cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bùi Mạnh Hùng
* Tít phụ trong bài do Tòa soạn đặt.

  • Từ khóa
10455

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu