Thứ 4, 17/04/2024 04:41:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:39, 14/01/2018 GMT+7

Thu cao nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Chủ nhật, 14/01/2018 | 14:39:00 222 lượt xem
BP - Gắn bó với ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi (Đồng Phú) gần 30 năm, nhờ cần cù, chịu khó và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông dân Vi Văn Dũng (1969, dân tộc Nùng), đã có mức thu nhập mỗi năm 600 triệu đồng.

Sinh ra tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, 19 tuổi, anh Dũng xây dựng gia đình với người con gái cùng thôn. Được cha mẹ cho 2 sào đất canh tác, mùa nước về anh chị trồng lúa, mùa khô trồng bắp, lúc rảnh vào rừng chặt củi bán. Tuy rất chăm chỉ nhưng kinh tế vẫn không khá lên. Khi cha mẹ vào Nam lập nghiệp, vợ chồng anh xin đi theo. Những ngày đầu vào vùng đất mới, cuộc sống gia đình anh thiếu thốn trăm bề. Nhà cửa, đất đai không có, gia đình anh phải đi chặt cây dựng căn chòi tạm trên mảnh đất mượn của người quen để sinh sống.

Anh Vi Văn Dũng chăm sóc vườn điều

Sau 2 năm tích cực lao động, anh mua được 2 sào đất trắng, dựng chòi và xin ra ở riêng. Nhờ cần cù và tiết kiệm chi tiêu, anh chị dành dụm mua thêm đất. Năm 1991, anh đầu tư trồng 5 sào điều. Vài năm sau điều cho trái, anh lấy hạt ươm cây trồng tiếp 4 ha. Đến năm 1998, vợ chồng anh đã có 8 ha điều, cuộc sống dần ổn định. Anh Dũng cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên tham gia các lớp khuyến nông, tham quan mô hình kinh tế hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào sản xuất.

Qua nhiều lần trồng thử nghiệm, anh nhận thấy giống điều ghép phù hợp chất đất trong vườn nên chuyển đổi dần diện tích điều già cỗi, giống cũ cho năng suất thấp sang trồng điều ghép. Trên triền đất thịt, bằng phẳng anh trồng cao su. Đến nay, gia đình anh có khoảng 13 ha đất canh tác, trong đó 6 ha cao su, 4 ha điều và 3 ha trồng lúa nước. Anh Dũng cho biết, trước khi trồng điều cần chú trọng công đoạn làm đất cũng như thời vụ trồng hợp lý để cây có bộ rễ sinh trưởng mạnh và thích nghi tốt. Khi điều cho thu hoạch, mỗi năm bón phân 2 lần vào đầu mùa mưa để cây phát triển mạnh và 1 lần vào cuối mùa mưa để nuôi trái. Sau khi thu hoạch, anh cắt tỉa cành vượt, cành sâu bệnh, tạo tán vườn thông thoáng. Sau mùa mưa kéo dài, để chuẩn bị cho thời kỳ ra hoa thuận lợi, anh phun thuốc trừ nấm, diệt bọ xít muỗi, sâu đục ngọn, đục cành, sâu ăn lá.. Đồng thời sử dụng biện pháp chăm sóc hỗ trợ, như: xịt thuốc kích thích ra đọt non, ra hoa, dưỡng trái...

Nhờ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nên 4 ha điều của gia đình anh cho thu từ 12-14 tấn hạt, trị giá khoảng gần 300 triệu đồng mỗi năm. Hiện anh thuê 2 công nhân cạo mủ cao su thường xuyên; đến mùa thu hoạch điều, thuê từ 6-8 lao động. Mấy năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp nhưng nhờ chăm sóc tốt nên 6 ha cao su đang cho thu gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Từ những kinh nghiệm của bản thân, anh Dũng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ nông dân trong vùng về kỹ thuật trồng trọt, ủng hộ tiền giúp những hộ khó khăn, tham gia tích cực các phong trào, cuộc vận động tại địa bàn như: ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”... vài chục triệu đồng mỗi năm. Anh được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh và huyện nhiều năm liền.  

Khắc Bảy

  • Từ khóa
42411

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu