Thứ 6, 29/03/2024 12:59:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:50, 24/06/2014 GMT+7

Thông tư “đè” nghị định?

Thứ 3, 24/06/2014 | 15:50:00 142 lượt xem

BP - Ngày 28-4-2014, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2014/TT-CA về nội quy phiên tòa. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16-6-2014. Tại khoản 1, Điều 4 thông tư quy định: 1. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa; tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phòng xử án.

Theo quy định trên, từ ngày 16-6, nhà báo khi tham dự phiên tòa để đưa tin phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc. Nhà báo còn phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa và nếu như thư ký hay chủ tọa phiên tòa vì lý do nào đó không đồng ý thì nhà báo không được tác nghiệp. Và đây là quy định hoàn toàn trái Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 15 Luật Báo chí quy định: 2- Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và tại khoản 4 của Điều 15 có quy định cụ thể: Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Còn tại khoản 1 và khoản 3, Điều 8 trong Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí đã quy định rõ về quyền hạn của nhà báo: 1. Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước. 3. Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 51 thì nhà báo hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật, chứ không phải chờ sự cho phép của thư ký phiên tòa hay phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Tại khoản 2, Điều 13 của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật có quy định: 2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định tại khoản 1 điều này và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra: a) Thông tư do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ đó hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước; b) Thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ trong thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với chánh án tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao;...

Từ căn cứ trên, dư luận mong rằng Bộ Tư pháp sớm thực hiện việc kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý đối với những quy định không phù hợp trong Thông tư số 01/2014/TT-CA của Tòa án Nhân dân tối cao nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. 

Hoàng Kim

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu