Thứ 6, 26/04/2024 03:48:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:53, 03/02/2016 GMT+7

Quý 1/2016 sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất GAP cho hồ tiêu

Thứ 4, 03/02/2016 | 13:53:00 263 lượt xem

BP - 15 năm giữ vị trí số 1 về xuất khẩu hồ tiêu. Giá ổn định ở mức cao trong nhiều năm qua nên diện tích hồ tiêu tăng mạnh, cùng việc canh tác thiếu khoa học, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá mức cho phép của một bộ phận nông dân đang đem đến sự “lo lắng” cho ngành hồ tiêu, bởi thị trường nhiều nước nhập khẩu đang cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV với các hoạt chất cấm và có thể ngừng nhập khẩu nếu Việt Nam không loại bỏ các hoạt chất cấm trên sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.

Theo đó, với tinh thần cùng quyết tâm sớm giải quyết vấn đề, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng Hiệp hội Gia vị châu Âu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã có buổi gặp gỡ thảo luận tại Bonn (Đức) vào tháng 10-2015 nhằm xây dựng kế hoạch hành động. Tháng 12-2015, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo về quản lý chất lượng và dư lượng thuốc BVTV trong sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu. Tham gia hội thảo có Hiệp hội Gia vị châu Âu, Mỹ và Canada là đại diện cho hàng ngàn nhà nhập khẩu hồ tiêu và gia vị, hằng năm nhập khẩu khoảng 50% lượng hồ tiêu Việt Nam và hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và doanh nghiệp FDI; nông dân đang sản xuất - kinh doanh hồ tiêu cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương; 3 đơn vị quản lý nhà nước liên quan trực tiếp tới vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu là Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Cục BVTV và Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT.

Việt Nam phải sản xuất hồ tiêu theo quy trình GAP để giữ thị trường và ngôi vị số 1 thế giới

Với tinh thần đối thoại thẳng thắn, các nhà nhập khẩu Mỹ, EU và Canada cùng một số công ty xuất, nhập khẩu đã chỉ ra những tính chất nghiêm trọng với chất lượng hồ tiêu Việt Nam hiện nay và các quy định hiện hành mà nếu không sớm khắc phục chắc chắn sẽ làm suy giảm đáng kể sản lượng hồ tiêu xuất khẩu vào các thị trường này nếu Việt Nam không thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, cung cách quản lý vật tư (giống, phân bón, thuốc BVTV...) đối với hồ tiêu.

Theo yêu cầu của thị trường EU, hội thảo đưa ra một số hướng giải quyết cấp bách đối với vấn đề tồn dư thuốc BVTV trên hồ tiêu như sau:

Cơ quan quản lý thuốc BVTV phải dứt khoát loại bỏ một số thuốc BVTV có thành phần hóa học mà các nước nhập khẩu hồ tiêu không cho phép, trong đó đặc biệt có những hoạt chất như carbendazim, cypermethrin, metalaxyl... Trước mắt, Bộ NN&PTNT có thể làm ngay để loại bỏ những chất này trên hồ tiêu là đưa hồ tiêu vào loại thực phẩm ăn liền để có thể áp dụng như chè, rau, quả tại Thông tư số 34/205/TT-BNNPTNT. Đồng thời, Cục BVTV cũng phải đưa ngay vào danh mục những thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có thể thay thế vì tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu vẫn đang có chiều hướng ngày một gia tăng.

Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản sẽ cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình tồn dư thuốc BVTV trên hồ tiêu nhập khẩu vào các thị trường EU, Mỹ, Canada (các hiệp hội gia vị châu Âu, Mỹ, Canada đã cam kết chia sẻ thông tin thường xuyên) để đưa ra cảnh báo sớm vì các phòng thí nghiệm hiện nay của cục hoàn toàn có thể xác định được những nhóm chất có tần suất xuất hiện nhiều nhất trên hồ tiêu Việt Nam như carbendazim, cypemethrin...

Cục Trồng trọt sẽ sớm hoàn thiện quy trình GAP cho hồ tiêu trong quý 1/2016 trên tinh thần là bộ quy trình không quá phức tạp, chỉ tập trung vào những quy định về canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV khoa học để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Ngành nông nghiệp phải tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ cho nông dân trong canh tác và bảo quản sau thu hoạch đảm bảo có hồ tiêu sạch. Ngoài đẩy mạnh tập huấn khuyến nông, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 51 đưa ra bản cam kết với 10 tiêu chí quy định về sản xuất an toàn, in vào một mặt bản cam kết, yêu cầu hộ nông dân ký vào. Với cách làm này, ít nhất có 10 triệu hộ nông dân cả nước (trong đó có hộ nông dân trồng hồ tiêu) sẽ có thể cập nhật nhanh nhất kiến thức về sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng các quy trình quản lý sản xuất từ hộ nông dân, quy hoạch vùng nguyên liệu để tiến tới cấp chứng nhận vùng sản xuất, trên cơ sở đó mới có thể xây dựng được hồ sơ chỉ dẫn xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, một trong những điều mà các nhà nhập khẩu hồ tiêu luôn nhấn mạnh.

P.Thảo (Nguồn từ VRA)

  • Từ khóa
40047

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu