Thứ 5, 25/04/2024 01:43:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 17:12, 17/03/2014 GMT+7

Du xuân - làm giá để du khách hẹn ngày gặp lại?

Thứ 2, 17/03/2014 | 17:12:00 190 lượt xem

Người xưa có câu rằng: “Phú quý sinh lễ nghĩa” quả là không sai. Bởi những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống của các tầng lớp nhân dân có nhiều thay đổi và kéo theo đó là các lễ hội được tổ chức ở khắp nơi, đồng thời du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu của không ít người.

Như bao người khác, ngay sau tết, gia đình tôi đã đến một số địa điểm du lịch tâm linh. Và đúng là có đi mới biết, mỗi lễ hội đều có cái hay, cái đẹp nhưng cũng còn không ít những điều chưa hay, những điều đáng buồn, thậm chí là đáng phê phán…. Trong ngày lễ chùa Bà ở tỉnh Bình Dương, người, xe đủ các loại từ các tỉnh, thành phố lân cận đổ về chật ních khu vực xung quanh chùa. Dưới cái nắng của những ngày cao điểm của mùa khô ở Đông Nam bộ cùng khói hương nghi ngút làm cho không khí ở đây vô cùng ngột ngạt. Tại khu vực chính điện, người đi lễ chùa chen lấn, xô đẩy nhau đến nghẹt thở và cuối cùng là người sau chắp tay vái lạy đầu người trước. Đặc biệt là ở khu vực chính điện, diện tích thì quá hẹp, mà người thì như nêm và đây là cơ hội cho những kẻ xấu trộm cắp, mói túi. Thực tế đã có không ít người đi lễ chùa để cầu may nhưng lại gặp họa là vậy.


Khấn vái trong khuôn viên chùa Bà

Năm nay cũng là lần đầu tiên tôi đến thăm khu du lịch tâm linh ở Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự ghi nhận về công trình cáp treo mới, hiện đại, thùng cáp đẹp, rộng, thông thoáng, cáp trượt êm ả. Bên cạnh đó là những con đường dẫn vào rộng được trải nhựa… và bức tượng Phật đặt trên vị trí cao càng tạo vẻ uy nghi, linh thiêng… đã tạo cho khách thập phương cảm giác thích thú, muốn khám phá, chiêm ngưỡng… Thế nhưng, cảnh người bán hàng hóa đủ các loại cứ nối nhau dài tít tắp, ngổn ngang hai bên lề đường; rồi cảnh chèo kéo du khách đã gây cho không ít người cảm giác khó chịu, thậm chí bực bội. Chưa hết, nếu ai đó bất đắc dĩ phải làm thực khách nơi đây thì giá cả quả là trên đỉnh núi. Một dĩa cơm chừng lưng chén với mấy lát thịt heo mỏng dính và vài miếng dưa leo có giá tới 45 ngàn đồng. Hoặc một tô bánh canh thịt bằm mà chỉ cần quơ đũa hai lần là đã mất 30 ngàn đồng.

Theo lời mời của một người bạn, gia đình tôi lại một lần nữa du xuân đến núi Chứa Chan Gia Lào, ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm ở Nam bộ tôi mới thấy dãy núi dài và cao đến vậy. Tôi đếm tới hơn ngàn bậc và nếu tính từ chân núi lên đến đỉnh thì những bậc thang này có chiều dài đến hơn ngàn mét. Điều lạ là đây không phải là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, nhưng lượng khách trong những ngày sau tết rất đông. Tôi thấy có biển số xe ô tô từ các tỉnh Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương… và nhiều hơn cả là thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng khâu đầu tư hạ tầng ở đây lại gần như bị lãng quên. Đường lên ngọn núi không có điện lưới mà chỉ là máy phát điện của hộ kinh doanh, có đoạn tối om đến rợn người. Vì ở đây rừng núi rất hoang sơ, có đoạn lại đi bên vách núi mà bên lề là vực sâu. Và ở đây cũng tái diễn cảnh bán buôn lấn chiến lòng đường và cảnh mời chào, níu kéo gây không ít phiền hà cho du khách.


Núi Điện Bà

Nếu nói là đi du xuân, vãn cảnh thì không đúng, vì nơi đây phù hợp lớp trẻ thích leo trèo, mạo hiểm để tìm cảm giác lạ. Còn nếu nói đây là nơi tâm linh thì tôi không biết ngôi chùa chót vót ngọn núi kia linh thiêng đến mức nào, nhưng có nhiều cụ già trên dưới 70 tuổi với dáng đi cực nhọc, thở hổn hển và cứ đi chừng vài ba chục bậc đá lại ngưng nghỉ, nhưng vẫn cố sức cùng cây gậy bằng tầm vông để lên tới đỉnh. Trên đường lên đỉnh núi có một ngôi miếu nhỏ nằm lưng chừng dốc. Ngôi miếu này gọi là miếu cô Mai, người ở Bình Dương. Nghe nói cách đây 3 năm, cô Mai cố sức leo rồi bị bệnh tim mạch dẫn đến đột tử và họ lập miếu thờ. Sự thực, với tôi sức khỏe khá tốt nhưng quá trình leo cũng phải ngưng nghỉ đến chục lần và khi leo đến gần đỉnh thì mồ hôi gần như tắm giữa lúc đang là 2 giờ sáng.

Điều muốn nói trong bài viết ngắn này là ở những nơi du lịch tâm linh hay sinh thái, rất mong chính quyền sở tại tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ sao cho phù hợp với cảnh quan và đặc biệt là để du khách không còn phải bận tâm khi mở “bóp” của mình đồng thời ai cũng mong muốn được “see you again”. Và những ai có vấn đề về sức khỏe thì xin đừng nên đến những nơi dù có linh thiêng đấn mấy nhưng là dốc cao, vực sâu…, để rồi cầu may nhưng chưa thấy mà họa thì đã đến…

Ngọc Hoàng

  • Từ khóa
48515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu