Thứ 3, 23/04/2024 22:23:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 16:29, 28/10/2014 GMT+7

Thời hiệu trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

Thứ 3, 28/10/2014 | 16:29:00 161 lượt xem

BP - Những quy định về thời hiệu trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi được nêu từ Điều 150 đến Điều 163. Và trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; không quy định thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo này được Bộ Tư pháp công bố để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân, thì đã có ý kiến cho rằng, không nên sửa đổi hay bổ sung như dự thảo mà nên tiếp tục kế thừa quy định về thời hiệu khởi kiện như Bộ luật Dân sự hiện hành.

Lý do để một số người đưa ra ý kiến này là vì: Thứ nhất là để nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền lợi cho mình. Thứ hai là để không tạo áp lực cho tòa án trong việc giải quyết những vụ việc đã xảy ra trong thời gian dài, khó xác định về chứng cứ cũng như nội dung vụ việc. Thứ ba là thời hiệu khởi kiện đã được quy định và áp dụng ổn định trong pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự ở nước ta, việc bỏ quy định về loại thời hiệu này có thể gây ra những xáo trộn nhất định trong thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế áp dụng luật ở nước ta từ trước đến nay thì việc trong Bộ luật Dân sự chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; không quy định thời hiệu khởi kiện là hoàn toàn đúng và phù hợp với thực tế ở nước ta hiện nay. Thứ nhất là vì, quy định như vậy rất phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để các chủ thể căn cứ vào đó mà bảo vệ các quyền dân sự của mình. Việc quy định thời hiệu khởi kiện như hiện hành tuy có tác dụng tạo thuận lợi cho tòa án trong việc chứng minh, giải quyết vụ việc dân sự, đồng thời tạo căn cứ để tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự mà không phải đưa ra phán quyết cụ thể để xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ nhưng lại có hạn chế là chưa giúp giải quyết được một cách triệt để các tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, khi không được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, chủ thể có thể sử dụng những biện pháp hành xử ngoài vòng pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội;

Thứ hai là vì, quy định như vậy nhằm mục đích hạn chế tình trạng tòa án có thể căn cứ vào thời hiệu mà từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc của công dân. Và quy định trên đây đã góp phần cụ thể hóa và triển khai thi hành Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp năm 2013. Theo đó: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Thứ ba là, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới ngày nay đều xây dựng Bộ luật Dân sự trên cơ sở họ chỉ quy định thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ mà không quy định thời hiệu khởi kiện. Và Việt Nam hiện đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, thì pháp luật dân sự không thể khác biệt với thế giới về vấn đề này.

N.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu