Thứ 6, 29/03/2024 17:13:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:30, 13/09/2012 GMT+7

Kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012

Thứ 5, 13/09/2012 | 16:30:00 1,201 lượt xem

XỨNG ĐÁNG LÀ ĐẢNG VIÊN LÀO GỐC VIỆT

Đến với thị xã Phosavanh, tỉnh Xiêng Khoảng - một tỉnh nằm ở Bắc Lào, ai cũng biết ông Hà Văn Cảnh - người Lào gốc Việt, cựu chiến binh Pathet Lào và là cán bộ của Hội Hữu nghị Lào - Việt năng nổ, nhiệt tình trên mọi hoạt động, mọi phong trào cách mạng ở đây.

Quảng trường lớn ở thủ đô Viên Chăn - ảnh Internet

Từ những năm 1940-1941, vì không chịu nổi sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp, từ làng quê Nghệ An, cha mẹ ông đã trốn sang Xiêng Khoảng để tạo dựng cuộc sống mới. Và chính trên quê hương mới này, năm 1951, cậu bé Đẹt Sỉ ViLai tức Hà Văn Cảnh đã ra đời. Thời điểm này cũng là lúc giặc Pháp tăng cường lực lượng để đàn áp, nhằm thống trị toàn cõi 3 nước Đông Dương... Tuổi thơ của ông qua mau trong đói rét, cơ cực... Mang trong mình dòng máu Việt, vốn căm thù giặc ngoại xâm cướp nước, năm 1968, mới 17 tuổi nhưng ông đã tình nguyện gia nhập bộ đội Pathet Lào... Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn như con sóc, con nhen... ông không nề hà bất cứ những nhiệm vụ gì, từ nhỏ đến lớn; khi trèo đèo lội suối để trao đổi thông tin liên lạc, khi thì tiếp lương tải đạn. Ông đã cùng đơn vị sát cánh với quân tình nguyện Việt Nam đánh nhiều trận vào Mường Khan, Mường Pek làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, tạo tiếng vang lớn ở mặt trận Xiêng Khoảng. Phát huy lợi thế sẵn có là vừa biết tiếng Lào lẫn tiếng Việt nên ông được đơn vị cử về trường Văn hóa Quân đội Lào đặt tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, ông vừa công tác, vừa tiếp tục học văn hóa. Đến năm 1975, đơn vị tiếp tục cử ông đi học Đại học Sư phạm quốc gia Lào, tại tỉnh Sầm Nưa. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường để vừa tham gia giảng dạy vừa làm công tác dịch thuật tài liệu, giáo án từ tiếng Việt sang tiếng Lào để giảng dạy sinh viên Lào. Nhiều thế hệ sinh viên của ông đã và đang giữ nhiều chức vụ trong bộ máy đảng, chính quyền của nhiều tỉnh trong nước Lào. Trong đó có ông Sonexaysiphandon, Bí thư, Tỉnh trưởng Champasak.

Sau gần 30 năm làm công tác giảng dạy, ông xin về hưu, về lại Xiêng Khoảng và làm ăn sinh sống cùng vợ con.

Là một giảng viên đại học vừa biết tiếng Lào vừa có vốn tiếng Việt vững, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông không nề hà bất cứ việc gì mỗi khi địa phương cần. Từ việc dịch thuật sách vở, tài liệu từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt sang tiếng Lào để phục vụ cho công tác lãnh đạo của tỉnh và các sở, ngành. Ông còn phiên dịch cho các đoàn đại biểu cấp cao từ trung ương tới địa phương của Việt Nam đến tỉnh Xiêng Khoảng làm việc, quan hệ ngoại giao. Với những đóng góp, ông đã được Đảng, Nhà nước 2 nước Việt Nam - Lào tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý...

Toàn cảnh khu vườn tượng phật - ảnh Internet

Ông xúc động nhớ lại, có lần nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông được chọn làm phiên dịch. Sau buổi làm việc, ông đã được chính Chủ tịch nước mời riêng đến khách sạn để thăm hỏi sức khỏe gia đình, động viên khích lệ và mời ông cùng gia đình sang Việt Nam thăm Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác. Đó là một kỷ niệm đẹp và là phần thưởng cao quý nhất của cuộc đời ông.

Ông Hà Văn Cảnh - người đảng viên Đảng Cộng sản Lào gốc Việt xứng đáng là hạt giống đỏ giữa vườn ươm xanh tươi của tình hữu nghị Việt - Lào, để mối quan hệ đoàn kết hữu nghị này ngày càng thêm keo sơn gắn bó.

Minh Hoàng

  • Từ khóa
4598

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu