Thứ 5, 25/04/2024 15:20:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:34, 16/08/2019 GMT+7

Thiếu chế tài ngăn chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Thứ 6, 16/08/2019 | 08:34:00 289 lượt xem

BP - Thời gian qua, tình trạng chủ doanh nghiệp (DN) “biến mất” diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Mới đây nhất, sáng 12-8, hơn 2.500 công nhân Công ty TNHH KaiYang (100% vốn Đài Loan) ở thành phố Hải Phòng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, đã ngừng việc tập thể sau khi nhận được thông tin giám đốc DN bất ngờ biến mất. Người lao động của DN này rất lo lắng vì họ vẫn chưa được thanh toán tiền lương tháng 7-2019, riêng bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ mới chốt đến năm 2018. Theo tin từ Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng, hiện DN này còn nợ hơn 21 tỷ đồng tiền lương của công nhân và 9 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Tình trạng chủ DN bỏ trốn đã không còn là hãn hữu và ở Bình Phước cũng không ngoại lệ. Ngày 19-11-2017, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Sang Hun (Hàn Quốc), chuyên sản xuất quần áo may sẵn ở Khu công nghiệp Đồng Xoài I, đã ký tên đồng khởi kiện DN này do 3 tháng chưa trả lương, không đóng BHXH cho người lao động, nhưng vẫn trừ tiền bảo hiểm hằng tháng. Hoạt động từ tháng 3-2015, nhưng đến thời điểm bị khởi kiện, công ty này để xảy ra 15 vụ ngừng việc tập thể. Nguyên nhân là do DN chưa thực hiện đúng thỏa ước lao động, chưa quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chủ DN bỏ trốn, nhưng chủ yếu là do gặp khó khăn về kinh tế nên trốn tránh nghĩa vụ thuế. Trong đó có không ít DN vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh không lành mạnh, lợi dụng kẽ hở của pháp luật Việt Nam cũng như chính sách thu hút đầu tư để tận dụng ưu đãi, chiếm đoạt tiền lương, các khoản trợ cấp của người lao động rồi bỏ trốn. Cá biệt, một số DN hoạt động kinh doanh nhằm mục đích huy động vốn, khi đạt được mục đích thì ôm tiền bỏ trốn. Khi chủ DN bỏ trốn, trước hết người lao động mất việc làm, mất thu nhập; ngân sách nhà nước bị thất thu, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng... Đặc biệt việc nợ lương, nợ BHXH và các chế độ khác còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động và kéo theo những hệ lụy xã hội phức tạp.

Để xảy ra tình trạng nêu trên là do cơ quan quản lý nhà nước chưa phát hiện kịp thời các vụ việc; còn hạn chế trong xây dựng giải pháp phòng ngừa và thực hiện các chế tài xử phạt nợ lương, bảo hiểm... Hiện các văn bản pháp luật của nước ta còn quy định chung chung, thậm chí chưa có quy định hình thức xử lý cụ thể đối với chủ DN bỏ trốn; quy trình tổ chức thanh lý tài sản, đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động; cách chi trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Từ đó, tạo kẽ hở để một số chủ DN lợi dụng, trốn tránh trách nhiệm tài chính với Nhà nước và người lao động.

Thực trạng đã nêu cho thấy, việc chủ động ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chủ DN bỏ trốn không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn là cơ sở bảo đảm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, Chính phủ và ngành chức năng sớm quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật, các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng chủ DN bỏ trốn để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Thậm chí, tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ DN có dấu hiệu bỏ trốn, chủ DN nợ thuế và các phúc lợi xã hội với người lao động.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu