Thứ 6, 19/04/2024 14:04:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:51, 16/04/2014 GMT+7

Thiệt đơn thiệt kép vì đón đầu quy hoạch

Thứ 4, 16/04/2014 | 13:51:00 218 lượt xem

Đã hơn 10 năm, nhưng vợ chồng ông T.X.H ở ấp 3, xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) vẫn tiếc hơn 20 cây vàng bỏ ra đầu tư đón đầu quy hoạch đường Trần Hưng Đạo nối dài. Đây còn là nguyên do gây ra sự xích mích, mâu thuẫn không chỉ riêng trong vợ chồng ông mà còn cả những anh em, bạn bè đã nghe lời ông H dốc vốn đầu tư nhằm kiếm lợi. 

Đánh bạc với tin đồn

Ông H kể, gia đình có 7 ha đất vườn trồng điều tại ấp 3, xã Tiến Thành. Những năm trước, lương viên chức cộng thêm khoản thu nhập từ vườn điều giúp cuộc sống của gia đình ông H khá ổn định. Đầu năm 2003, nghe một số người thân nói UBND tỉnh triển khai dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài và sẽ đi ngang qua một phần đất của gia đình nên ông H quyết định cưa bỏ toàn bộ cây điều để xây nhà tạm chờ giải tỏa đền bù mong kiếm thêm tiền và đất tái định cư. “Để đầu tư, ngoài số vốn hiện có, tôi vay mượn thêm để xây hơn 20 căn nhà tạm. Bình quân mỗi căn có diện tích 5x9m, kinh phí hơn 5 triệu đồng, tương đương 10 chỉ vàng/căn” - ông H nói.

Khu nhà đón đầu dự án của ông T.X.H đã xuống cấp

Để tăng thêm giá trị pháp lý khi đền bù giải tỏa, ông H còn kêu gọi anh em, bạn bè, góp vốn, đứng tên trong hộ khẩu xây nhà tạm và sẽ “chia đôi” số tiền đền bù giải tỏa, mua giá ưu đãi đất tái định cư khi dự án thực hiện. Cơ quan ông H có trên 10 người vay vốn ngân hàng để góp tiền xây nhà đón đầu dự án.

Không chỉ riêng ông H, hàng chục hộ dân ở hai ấp 3 và 4, xã Tiến Thành đều huy động vốn xây nhà tạm chờ đền bù. Bên cạnh đó, những hộ có điều kiện kinh tế, cò đất... từ các nơi khác cũng đến tìm mua, sang nhượng đất tại dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài. Ông T.V.M ở ấp 3, xã Tiến Thành cho biết: “Nhà tôi có 4 sào đất trồng điều. Năm 2003, ngày nào cũng có người đến hỏi mua, từ dân thường, cò đất đến cán bộ, viên chức. Người trong tỉnh có, ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh cũng đến trả giá mua bán. Gia đình tôi sống nhờ vườn rẫy nên không bán đất. Họ mang bản đồ quy hoạch đến phân tích thiệt hơn khi sang nhượng lại đất trong vùng dự án. Nghe họ nói có lý, nên tôi chỉ chừa lại 120m2 đất ở, còn lại chuyển nhượng hết với giá rẻ như cho và họ đổ tiền vào xây nhà tạm chờ giải tỏa”.

Ông H, ông M cho biết thêm, không chỉ ấp 3, mà ấp 4, xã Tiến Thành (phía sau trường THPT chuyên Quang Trung, Tỉnh đội) vào thời điểm đó số người tìm mua đất còn nhiều hơn người dân sở tại. Bởi, trước năm 2003 vị trí này  chủ yếu đồi thấp với những vườn điều, cây công nghiệp nên dân cư thưa thớt. Hơn nữa, đất của người dân chủ yếu là đất nông nghiệp, nhiều hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi nghe tin đồn tỉnh triển khai dự án, ai cũng sợ bị thiệt trong đền bù. Do vậy, nhà có điều kiện thì đi tắt đón đầu bằng xây nhà tạm, hộ khó khăn thì sang nhượng lại đất cho người khác. Cũng có không ít kẻ lợi dụng mua rẻ bán đắt, hoặc có hộ được cò đất hướng dẫn nên “trúng quả”.


Được ăn cả, ngã về không

Ông M khẳng định, chỉ nghe mọi người đồn thổi về chuyện quy hoạch chứ chính quyền địa phương chưa tổ chức họp dân triển khai dự án. Nhưng trong khu, nhà nào cũng chuyển nhượng đất, ai cũng xây nhà tạm nên tôi tin là thật. Bây giờ nghĩ lại tôi tiếc vì đã bán cả đống tài sản với giá rẻ. Nay con cái đã lớn, có nhu cầu tách hộ thì không còn đất nên cả 3 người con của tôi phải chen chúc làm nhà trên 120m2 còn lại.

Ông H cho hay, khi mọi người ồ ạt sang nhượng đất, xây nhà thì tôi nghĩ nếu 7 ha đất của mình đứng tên 20 người trong hộ khẩu thì ngoài việc đền bù còn được mua ưu đãi 20 lô đất tái định cư. Đây chính là phần lời khi lập hộ khẩu, xây nhà tạm đón dự án theo nguyên tắc “được ăn cả...”.

Đưa chúng tôi ra thăm “đại công trình” nhà tạm một thời nay đã hoang tàn, đổ nát, ông H than vãn: “Giá như ngày đó tôi tỉnh táo hơn thì đâu đến nỗi bị thiệt hại về kinh tế và không bị tiếng xấu với anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi lần nhìn đống gạch vụn này, vợ tôi lại tiếng bấc, tiếng chì nghe thật não ruột”. Hiện tại, ở khu vực này đã xuất hiện nhiều căn nhà kiên cố, khang trang với hệ thống đường ngang, ngõ dọc khá tươm tất, nhất là ở ấp 3. Nhưng xen lẫn trong vườn cây, khu dân cư là những căn nhà xây đón đầu dự án đã bắt đầu sụp đổ. Nhiều nơi chỉ trơ lại nền móng, cũng có căn còn nguyên vẹn nhưng đã bị cây cỏ bao phủ. Để vớt vát chút thiệt hại, nhiều hộ đã đầu tư chỉnh sửa lại nhà để cho thuê. Nhưng với hiện trạng nhà ẩm thấp, mái dột, tường xiêu lại thiếu các công trình phụ như nước, nhà vệ sinh, điện thắp sáng... nên muốn cải tạo cũng phải tốn khoản kinh phí không nhỏ. Vả lại, khu vực này không có người thuê trọ nên công trình rất nhanh xuống cấp.

Đã hơn 10 năm, dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài chưa có dấu hiệu cho thấy tỉnh sẽ triển khai. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, những tay cò đất, kẻ lắm tiền đã tạo ra tin đồn thất thiệt xôn xao dư luận. Mong rằng, trong quá trình đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa hiện nay, người dân, nhất là ở vùng quy hoạch, dự kiến quy hoạch các dự án, công trình... cần tỉnh táo, cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt dẫn tới hậu quả khó lường.

Tấn Phong

  • Từ khóa
92425

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu