Thứ 7, 20/04/2024 08:18:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:57, 10/09/2019 GMT+7

“Thiên tử hòa giải”

Thứ 3, 10/09/2019 | 15:57:00 398 lượt xem

BP - Trần Nhân Tông là người sẽ lưu danh trong lịch sử tư tưởng Việt Nam với pháp hiệu Trúc Lâm đại đầu đà. Tuy nhiên, ông lưu danh sử sách không phải là vì làm vua, mà ở đức tính nhân từ nhưng vô cùng khôn khéo. Trong thời gian tại vị, vua Trần Nhân Tông đã để lại nhiều giai thoại mà hậu thế phải suy ngẫm.

Chuyện xưa kể lại rằng, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông ban chiếu đại xá cho thiên hạ. Theo chế độ cũ, mỗi khi có chiếu đại xá thì viên trung quan (tức quan hoạn) giữ chức Hành khiển sẽ tuyên đọc chiếu thư, còn việc soạn chiếu thư do Viện Hàn lâm phụ trách. Thường thì sau khi soạn chiếu thư xong, Viện Hàn lâm phải đưa cho quan Hành khiển xem trước, để đến lúc tuyên đọc cho đúng.

Lúc bấy giờ, Lê Tòng Giáo giữ chức Hành khiển, cùng với người soạn chiếu thư của Viện Hàn lâm là Đinh Củng Viên vốn không hòa hợp. Soạn xong chiếu thư rồi nhưng Đinh Củng Viên cố tình không đưa bản thảo cho Lê Tòng Giáo xem trước, đến ngày tuyên chiếu mới đưa cho, vì thế Lê Tòng Giáo tuyên đọc không thông. Nhà vua phải bảo Đinh Củng Viên đứng bên nhắc. Được lời như cởi tấm lòng, tiếng nhắc của Củng Viên ngày càng to dần, át cả tiếng đọc của Tòng Giáo!

Minh họa: Sỹ Hòa

Sự việc xảy ra giữa hai viên chức phục vụ trong triều đình của Trần Nhân Tông, thực ra không có gì lạ. Điều đáng nói ở câu chuyện giữa Tòng Giáo và Củng Viên là sự tham gia của Nhân Tông hoàng đế. Sau lễ tuyên chiếu, nhà vua cho triệu Tòng Giáo đến, bảo: Củng Viên là văn quan, nhà ngươi là trung quan, có việc gì mà không hòa hợp với nhau đến thế? Nhà ngươi làm lưu thủ ở Thiên Trường, rươi có, quýt có, đi lại tặng biếu cho nhau thì có hại gì?

Như vậy, ở đây chúng ta thấy tuyệt không phải là việc nhà vua phân định ai đúng ai sai theo nguyên tắc, mà chỉ là lời “tư vấn” mà thôi. Và cũng chẳng hề có chút nào hơi hướng bênh vực ai trong nội dung “tư vấn” của Trần Nhân Tông. Nhà vua giúp Lê Tòng Giáo giải quyết xích mích với Đinh Củng Viên không với tư cách của một vị hoàng đế, mà là bằng tư cách của một người lão thực về nhân tình thế thái.

Suy cho cùng thì “con rươi, quả quýt”, món quà biếu quá vặt không thể bị xem là của hối lộ, thế nhưng đó là thổ sản của một vùng quê, nó có thể chuyển tải sự thành tâm của người biếu tới người được biếu, nhờ đó làm cho quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn, vậy hà cớ gì không làm? Trước câu “mách nước” thấu tình đạt lý ấy, ông vua khó tính đến như Tự Đức cũng phải tâm đắc mà phê rằng: Ông vua này có thể gọi là “thiên tử hòa giải”!

Cũng là “thiên tử hòa giải” này, nhưng khi cần thiết sẽ trở nên rất sắt đá. Sử cũ chép lại rằng, trong trận thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, quân ta bắt được các tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc và Phàn Tiếp. Với Cơ Ngọc, nhà vua sai tòng nghĩa lang là Nguyễn Thịnh đưa trước về Trung Quốc. Phàn Tiếp bị bệnh chết, nhà vua hỏa táng rồi cấp cho vợ con hắn đôi ngựa sai chở hài cốt mang về. Còn với Ô Mã Nhi, Trần Nhân Tông cấp thuyền cho hắn về cố quốc. Nhưng trên đường đi, thuyền bị đắm khiến Ô Mã Nhi chết đuối.

Sau đấy, nhà Nguyên có thư chất vấn và “hỏi tội” vua nước Nam về cái chết của Ô Mã Nhi, thì được Nhân Tông hoàng đế trả lời như sau: Vì thuyền rỉ nước bị đắm, quan tham chính sức vóc to lớn, không sao cứu vớt được, thành ra chết đuối. Đây quả là lối ứng xử hợp với lẽ phải thông thường, nhất là trong hoàn cảnh của một đất nước vô cớ bị ngoại bang giày xéo và lăng nhục tới lần thứ 3.

Triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm, từ năm 1225-1400 và trải qua 14 đời vua. Trần Nhân Tông là đời vua thứ 3, sau ông nội là vua Trần Thái Tông và vua cha là Trần Thánh Tông. Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên - Mông, vua nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, từ bỏ ngai vàng, vào Yên Tử tu hành rồi hiển Phật... - một hoàng đế minh quân kỳ tài, góp phần tô thêm trang sử vàng chói lọi của dân tộc thời nhà Trần, tạo đỉnh cao nền văn minh Đại Việt.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại này, với tư cách là chủ thể quốc gia, vua Trần Nhân Tông có thừa thận trọng để tỏ thái độ trước hoàng đế nhà Nguyên. Nói khác đi, bức phúc thư là một cách nói khôn khéo, không làm tổn thương đến lòng tự ái của thiên triều. Và có thể cho rằng, nó cũng chính là cách ứng xử mang những nét rất đặc trưng trong quan hệ với đế quốc Trung Hoa của tất cả các vị vua sáng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Chính điều này đã đưa Trần Nhân Tông trở thành bậc minh quân có biệt tài kinh bang tế thế, xây dựng đất nước phồn vinh.

Và điều mà hậu thế trân trọng, tôn vinh vua Trần Nhân Tông không chỉ vì ông đã cùng quân dân nhà Trần 2 lần chiến thắng quân Nguyên, mà còn ở chỗ làm vua nhưng ông không cứu đời theo cách của một vị vua mà theo cách của bậc thánh nhân, bậc vĩ nhân. Bởi vì làm vua chỉ chăn dân trăm họ, làm Phật cứu độ cả muôn loài. Tấm gương Phật hoàng tuy ẩn mà hiện, tuy mờ mà lại sáng. Ngài vượt qua cái bình thường để trở thành cái phi thường. Vậy nên, hàng ngàn năm qua, bao triều đại phong kiến thịnh suy trị vì đất nước, bao người đã làm vua, song có ai được mọi người ngưỡng vọng, tôn thờ và nhớ mãi như Phật hoàng Trần Nhân Tông?

N.D

  • Từ khóa
110229

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu